Không chỉ vi phạm trong việc mở ngành, nhiều ngành học được các cơ sở giáo dục mở ra nhưng phải tạm tạm dừng tuyển sinh vì không có sinh viên theo học.
Tự chủ đại học được coi là xu thế tất yếu nhằm thúc đẩy chất lượng giáo dục, giúp giáo dục đại học ở Việt Nam ngày càng phát triển và hội nhập thế giới. Hiện nay, tự chủ về học thuật được đánh giá là “mở” nhất trong các phương diện tự chủ, tạo điều kiện cho các trường chủ động, linh hoạt hơn trong công tác đào tạo.
Tuy nhiên, mới đây Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết luận thanh tra một số trường đại học về việc thực hiện quy định trong tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học và các điều kiện bảo đảm ngành đào tạo.
Theo đó, một số trường đại học phải đóng hàng loạt ngành do không tuyển được sinh viên hoặc chưa đảm bảo duy trì được điều kiện mở ngành, liên quan đến cả vấn đề về giảng viên. Thậm chí, nhiều ngành vừa mở đã phải tạm dừng tuyển sinh do không có người học.
Việc mở ngành phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, “biết mình biết ta” mới đạt hiệu quả
Trước thực trạng này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, trong bối cảnh tự chủ, trường đại học được quyền mở các ngành mới nếu đảm bảo điều kiện chất lượng.
“Các trường được phép mở ngành mới nhằm mục đích thúc đẩy sự đổi mới, khả năng thích ứng và đáp ứng nhu cầu thị trường địa phương cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, việc tự chủ mở ngành cũng dẫn đến một số hệ lụy, như việc nhiều cơ sở giáo dục đại học trong một khu vực mở cùng một ngành hay một số trường chạy theo thị hiếu đám đông, mở những ngành hot.
Điều này dễ khiến việc mở ngành rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”, tức là có thể biến đổi về tên ngành, nhưng nội dung đào tạo lại không có sự khác biệt.
Tự chủ trong việc mở ngành cũng có thể dẫn đến những hậu quả như “khủng hoảng” dư thừa trong việc cung cấp các chương trình đào tạo; hay lãng phí nguồn lực (cả về nguồn lực tài chính lẫn con người – sinh viên và giảng viên); và gia tăng sự cạnh tranh việc làm giữa các sinh viên tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, việc mở ngành ồ ạt, chồng chéo còn dẫn tới nguy cơ phá vỡ mạng lưới cơ sở giáo dục đại học. Bởi suy cho cùng, việc quy hoạch mạng lưới đại học là nhằm phân bố, sắp xếp các cơ sở giáo dục theo quy mô và ngành nghề” – Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định.
Vừa qua, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành loạt quyết định thanh tra, xử phạt đối với một số cơ sở giáo dục đại học như Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương),… Vi phạm của các đơn vị này chủ yếu liên quan đến công tác tuyển sinh, như mở ngành đào tạo “ồ ạt”, chưa khảo sát nhu cầu xã hội, chưa đủ điều kiện đạt chuẩn kiểm định, điều kiện về giảng viên cơ hữu…
Bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Việc thực hiện cơ chế tự chủ học thuật tạo điều kiện cho các trường đại học tự chủ mở ngành là hoàn toàn hợp lí. Đây là một xu thế tất yếu, phù hợp với thời đại.
Tuy nhiên, tự chủ nhưng vẫn phải được thực hiện trong một khuôn khổ nhất định. Một trường đại học muốn mở ngành cần tuân thủ các điều kiện chung do cơ quan quản lý nhà nước quy định”.
Tức là, muốn được mở ngành, cơ sở giáo dục đại học đó phải tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng, có sự chuẩn bị đầy đủ để đáp ứng được những điều kiện về cơ sở vật chất, chất lượng giảng viên và đặc biệt là có sự khảo sát để nắm bắt được nhu cầu của xã hội đối với ngành học. Đồng thời, cơ sở giáo dục đại học cần khảo sát về tình hình đào tạo, phát triển của ngành học đó tại các cơ sở giáo dục khác.
“Không phải cái gì cũng có thể chạy theo hiệu ứng đám đông, đặc biệt là với giáo dục. Bởi nếu chạy theo đám đông mà không có sự tính toán kỹ lưỡng theo khoa học sẽ gây ra sai lầm, tác động tiêu cực, gây nên những vấn đề rối ren trong xã hội.
Bên cạnh đó, nếu không “biết mình biết ta” thì việc mở ngành sẽ không đạt được hiệu quả như mong đợi. Điều này được thể hiện ở việc không có người học (do xã hội không có nhu cầu nhiều), hoặc chính cơ sở giáo dục đại học chưa đủ uy tín, điều kiện để đào tạo ngành nghề”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ cho hay.
Còn theo quan điểm của Giáo sư, Tiến sĩ, Phạm Tất Dong – cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, việc chỉ ra sai phạm tại các cơ sở giáo dục đại học của Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo giúp đảm bảo quyền lợi của người học và làm cơ sở bảo đảm tính răn đe.
Bởi hiện nay, quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đã rõ ràng. Nếu các trường không thực hiện đúng, không đủ điều kiện mở ngành mà vẫn ngang nhiên thực hiện tức là sai phạm, trái với quy định, làm “pha loãng” chất lượng giáo dục.
“Hơn nữa, khi các trường còn chưa đáp ứng được hết điều kiện để mở ngành và duy trì ngành, thì làm sao có thể đào tạo ra được những lớp cử nhân đủ có trình độ năng lực, là nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước?“ – Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.
Hiện nay, quy định về việc mở ngành đào tạo được quy định trong Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT ngày 18/1/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Mở ngành “ồ ạt” rồi lại đóng sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh viên đang theo học
Không chỉ vi phạm trong việc mở ngành, mà ở một số cơ sở giáo dục đại học, nhiều ngành học mở ra trong thời gian ngắn đã phải tạm dừng tuyển sinh vì không có/có ít sinh viên đăng ký học.
Điển hình như Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương), vì lý do không khảo sát đầy đủ nhu cầu của xã hội trước khi tuyển sinh đào tạo, mà chỉ trong vòng 2 năm (năm 2022 và 2023), đơn vị này đã phải tạm dừng tuyển sinh đến 13 ngành.
Cụ thể, năm 2022, Trường Đại học Thủ Dầu Một tạm dừng tuyển sinh 11 ngành, gồm Lịch sử, Văn học, Văn hóa học, Chính trị học, Địa lý học, Toán kinh tế, Sinh học ứng dụng, Vật lý học, Quốc tế học, Đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, Quản lý đô thị.
Đến năm 2023, trường này phải tạm dừng tuyển sinh thêm 2 ngành là Quản lý văn hóa và Quản lý công.
Nêu quan điểm của mình về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng: “Đa phần việc đóng ngành của các trường hiện nay đến từ việc số người học ít, nếu tiếp tục đào tạo sẽ “lỗ vốn”.
Khi một trường mở ngành đào tạo và tuyển sinh, ít/nhiều đã có sinh viên tiếp cận, theo học. Nhưng mở ngành “ồ ạt” rồi lại đóng ngành trong thời gian ngắn, ảnh hưởng to lớn đến người học đang theo học”.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, việc đóng ngành của các cơ sở giáo dục đến từ nhiều nguyên nhân (như không có người học, chiến lược marketing – tiếp thị của trường còn kém, chất lượng đào tạo không đảm bảo…). Nhưng nhìn chung, điều này sẽ làm lãng phí tài nguyên (của cả nhà trường và xã hội); và hơn hết, thể hiện năng lực quản trị của đơn vị giáo dục đó gắn với trách nhiệm xã hội chưa cao.
Vai trò điều tiết của Nhà nước là vô cùng quan trọng
Để hạn chế tối đa sai phạm của các cơ sở giáo dục đại học trong bối cảnh tự chủ mở ngành đào tạo như hiện nay, Tiến sĩ Vinh cho rằng, hoạt động quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng. Điều này thể hiện ở việc cơ quan Nhà nước có thể cung cấp các kế hoạch chiến lược tổng thể nhằm xác định các lĩnh vực chính cần phát triển và nhu cầu nhân lực. Đồng thời, cung cấp các dữ liệu liên quan đến xu hướng và dự báo việc làm.
Từ đó, giúp các trường đại học điều chỉnh về chương trình đào tạo sao cho phù hợp với mục tiêu kinh tế quốc gia và khu vực, phù hợp với thị trường lao động, giảm tình trạng dư thừa và thúc đẩy đa dạng hóa các chuyên ngành.
Đặc biệt, việc triển khai và thực thi các khung pháp lý rõ ràng nhằm yêu cầu các trường đại học chứng minh nhu cầu của thị trường lao động và kết quả việc làm tiềm năng của sinh viên trước khi triển khai các chương trình mới là rất cần thiết. Điều này có thể bao gồm các nghiên cứu khả thi chi tiết hoặc đánh giá tác động của ngành học như một phần (điều kiện) của quy trình phê duyệt chương trình đào tạo mới.
Việc giám sát và đánh giá liên tục các chương trình giáo dục và kết quả của các chương trình này cũng sẽ giúp các cơ quan Nhà nước và các tổ chức giáo dục điều chỉnh lại dịch vụ mình cung cấp để đáp ứng các điều kiện kinh tế đang phát triển và xu hướng thị trường việc làm.
“Đối với những ngành học đang được đào tạo nhiều, nguy cơ dư thừa nguồn nhân lực, Nhà nước nên có quy định về quy mô sinh viên của ngành học đó bằng cách ban hành các tiêu chuẩn về tỷ lệ sinh viên/giảng viên và cơ chế giá (học phí) cho ngành học.
Còn đối với những ngành học thị trường lao động đang thiếu mà lại ít thu hút được sinh viên, Nhà nước cũng cần thể hiện vai trò của mình trong việc có nhiều chính sách hỗ trợ về kinh phí, học bổng, hỗ trợ về cơ hội việc làm… nhằm thu hút người học” – Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh đề xuất thêm.
Nguồn: internet