Năm 2024, ngoài việc áp dụng phương thức tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, rất nhiều trường đại học (ĐH) sử dụng phương thức xét tuyển theo quy định riêng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tuyển sinh, khảo thí cho rằng, khi các trường đưa ra phương thức này cần có cơ sở để minh chứng, tránh việc lạm dụng chỉ để tuyển được nhiều chỉ tiêu.
Mỗi trường mỗi cách
Năm 2015, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM là ĐH đầu tiên áp dụng phương thức ưu tiên xét tuyển thí sinh đối với học sinh lớp 12 của 5 trường THPT chuyên và năng khiếu trên cả nước. Sang năm 2016, ĐH này dành 10% chỉ tiêu cho phương thức này và số lượng trường THPT được nâng lên thành 82 trường chuyên, năng khiếu trên toàn quốc. Hiện nay, có đến 149 trường (79 trường THPT chuyên, năng khiếu trên cả nước và 70 trường THPT) được xét tuyển theo tiêu chí đánh giá của ĐHQG TPHCM.
Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dành 30% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển các đối tượng: học sinh giỏi cấp tỉnh; học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu trên toàn quốc; học sinh giỏi các trường THPT; học sinh là con cán bộ, giáo viên các trường THPT…
Còn tại Trường ĐH Luật TPHCM, thí sinh diện ưu tiên xét tuyển (xét tuyển sớm theo đề án tuyển sinh của trường) phải có các điều kiện: có đủ 3 năm học tại các trường THPT chuyên, năng khiếu và các trường THPT theo danh sách 149 trường THPT mà ĐHQG TPHCM công bố; có kết quả học tập của từng năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 được xếp loại giỏi; có tổng điểm trung bình năm học của 3 năm THPT đạt tổng điểm từ 24,5 trở lên… Phương thức ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng của trường chiếm 45% tổng chỉ tiêu năm học 2024 (2.520 chỉ tiêu).
Tại Trường ĐH Công thương TPHCM, phương thức ưu tiên xét tuyển theo đề án của trường dành cho tất cả thí sinh học sinh lớp 12 với điều kiện xếp loại giỏi trong 2 năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 năm lớp 12; điểm trung bình của môn tiếng Anh của năm lớp 10, lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 phải đạt từ 8,0 điểm trở lên. Phương thức này chiếm ít nhất 10%-15% chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2024.
Nhiều trường ĐH khác lại quy định ưu tiên xét tuyển theo đề án của trường với các quy định là học sinh giỏi trường chuyên, học sinh giỏi của trường tốp 100 trường THPT theo thống kê kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT hàng năm của Bộ GD-ĐT, có ít nhất 3 học kỳ đạt học sinh giỏi; học sinh do ban giám hiệu trường THPT có liên kết với nhà trường có thư giới thiệu… Ngoài ra, có trường lấy các tiêu chí của trường khác để áp dụng cho phương thức ưu tiên xét tuyển của trường mình.
Phải có cơ sở khoa học
TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng, theo Luật Giáo dục Đại học năm 2018, các trường được tự chủ tuyển sinh (thi tuyển, xét tuyển, kết hợp thi tuyển và xét tuyển) nên các trường ngày càng có nhiều phương thức tuyển sinh. Hiện nay, hầu hết các trường đều có đề án tuyển sinh riêng, với các phương thức như xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển theo tiêu chí của từng trường.
Riêng tại Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, phương thức ưu tiên xét tuyển được đưa ra sau khi thực hiện khảo sát dựa trên kết quả thống kê kết quả học tập của sinh viên. Từ đó, trường thống kê và lọc ra danh sách các trường THPT để đưa ra tiêu chí tuyển chọn thí sinh. Tuy nhiên, việc nhiều trường đưa ra quy định ưu tiên xét tuyển sẽ làm cho tình trạng thí sinh “ảo” của phương thức này rất lớn (thí sinh đăng ký vào rất nhiều trường và thường chỉ tập trung vào những nhóm ngành sức khỏe, nhóm ngành công nghệ thông tin…). Chính vì vậy, thông thường phương thức ưu tiên xét tuyển chỉ có 30% thí sinh trúng tuyển nhập học.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), cho biết: ĐHQG TPHCM là đơn vị đầu tiên của cả nước thực hiện xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh các trường THPT chuyên và năng khiếu. Bên cạnh đó, số trường THPT theo tiêu chí của ĐHQG TPHCM mỗi năm đều thay đổi do dựa trên khảo sát, thống kê kết quả học tập của sinh viên ĐHQG TPHCM là học sinh của những trường này.
Mặt khác, ĐHQG TPHCM còn kết hợp với thống kê kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT từng năm để lựa chọn những trường tốt nhất đưa vào danh sách ưu tiên xét tuyển học sinh ở những trường này. Chính vì vậy, có trường THPT năm nay có trong danh sách được ưu tiên xét tuyển nhưng năm sau lại không có trong danh sách.
Trong khi đó, theo PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), hàng năm, khi nhà trường công bố danh sách trường THPT thuộc diện ưu tiên xét tuyển thì phòng đào tạo nhận rất nhiều thắc mắc từ các trường THPT và cả phụ huynh về việc tại sao trường không nằm trong danh sách này.
Thực tế, danh sách trên không do trường quyết định mà phải theo ĐHQG TPHCM quyết định sau khi thực hiện các khảo sát, đánh giá thông qua các cơ sở khoa học và minh chứng. Việc đưa ra một phương thức tuyển sinh phải có căn cứ và minh chứng thuyết phục từ quá trình đào tạo, để cơ sở đào tạo tuyển chọn người học theo mục tiêu và định hướng đào tạo của mình. Những cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng sẽ không bằng mọi giá để chạy theo số lượng, tăng chỉ tiêu mà luôn muốn nâng cao chất lượng, tuyển chọn đầu vào khắt khe.
Theo TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐHQG TPHCM), năm 2023, ĐHQG TPHCM dành 20% tổng chỉ tiêu đối với phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG TPHCM. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển ở phương thức này là 39.512, tăng hơn 135% so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học là 71,67%.
Hội đồng tuyển sinh ĐHQG TPHCM đã quyết định kéo dài thời gian đăng ký xét tuyển bằng kết quả điểm thi đánh giá năng lực đến ngày 15-6 (trước đó, thời hạn được thông báo kết thúc vào ngày 16-5). Việc gia hạn thời gian đăng ký bằng phương thức điểm thi đánh giá năng lực nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh và cho các trường thành viên của ĐHQG TPHCM. |
Nguồn: internet