Theo đại diện các trường đại học, rào cản về học phí là một trong những lý do khiến thí sinh trúng tuyển nhưng từ chối đến giảng đường. Ngoài ra, một số thí sinh đã có lựa chọn khác chỉ xem đăng ký xét tuyển đại học là một giải pháp dự phòng.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số thí sinh trúng tuyển đại học đợt 1 năm 2024 trên hệ thống là 673.586 em, tăng 58.116 thí sinh so với năm 2023.
Tuy nhiên, số thí sinh xác nhận nhập học là 551.479; chiếm 81,87% tổng số thí sinh trúng tuyển đợt 1. Như vậy, có đến 122.107 thí sinh dù trúng tuyển nhưng không nhập học đại học, chiếm 18,13%.
Nếu so với năm ngoái, tỷ lệ nhập học sau trúng tuyển năm nay cao hơn (năm 2023 tỷ lệ này là 80,34%). Vậy lý do gì khiến hơn 120.000 thí sinh không nhập học?
Nhiều lựa chọn ngoài đại học
Thạc sĩ Phạm Thái Sơn – Giám đốc tuyển sinh, Trường Đại học Công Thương TPHCM nhìn nhận, hơn 120.000 thí sinh đã trúng tuyển từ chối học đại học là điều bình thường trong tuyển sinh.
Lý do là nhiều em đã đi du học, học nghề hay đi xuất khẩu lao động, đặc biệt thí sinh vùng Bắc Trung Bộ như Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Còn tại các tỉnh thành có điều kiện kinh tế tốt hơn như ở TPHCM, Long An hay Hà Nội… rất nhiều thí sinh đi du học hay chọn trường đại học quốc tế. Dù có lựa chọn khác nhưng những các em vẫn đăng ký xét tuyển đại học như một “giải pháp chắc ăn”.
“Hiện nay, kinh tế nhiều gia đình phát triển hơn. Vì vậy con em của những gia đình này có nhiều lựa chọn sau THPT, không nhất thiết phải học đại học trong nước”- ông Sơn nói.
Thạc sĩ Phùng Quán – Chuyên gia tuyển sinh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, thí sinh từ chối học đại học có thể vì những nguyên nhân như: Ở nhà lo việc gia đình; Do hoàn cảnh gia đình hay các em có lựa chọn khác như học nghề, học trung cấp, cao đẳng. Ngoài ra, cũng có một số em lựa chọn con đường đi du học hoặc chọn hình thức vừa học vừa làm ở nước ngoài…
TS Nguyễn Trung Nhân – Trưởng phòng đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM cho rằng, một bộ phận thí sinh từ chối nhập học có thể do trúng tuyển ngành chưa thực sự yêu thích. Trong khi đó, không ít thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cho có, thực chất các em đã đi du học
Rào cản về học phí
Ông Phạm Thái Sơn cho rằng, bên cạnh số gia đình có điều kiện, số gia đình khó khăn về kinh tế hiện cũng rất nhiều và con cái của họ bị rào cản bởi học phí.
“Học phí cao và chi phí cho cuộc sống của tân sinh viên hiện nay là một rào cản lớn. Một tân sinh viên ở trường công lập trung bình mỗi tháng sẽ phải cần khoảng 10 triệu đồng cho học phí, nhà trọ, sinh hoạt… Trong khi đó chi phí này ở các trường đại học tư thục còn lớn hơn rất nhiều”- ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay cơ chế cho vay tiền để học tập chưa phù hợp. Các ngân hàng thương mại cổ phần nên tham gia vào mới giải quyết được vấn đề. Ông Sơn ủng hộ học phí cao nhưng cho rằng nên có chính sách cho vay tiền đủ thu và chi để sinh viên học tập.
Đồng ý với quan điểm này, ông Phùng Quán nhận định, học phí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các em học sinh ở vùng xa, vùng sâu. Tuy nhiên nếu giỏi thật sự, các em sẽ giành được học bổng và các chính sách hỗ trợ… từ nhà trường, doanh nghiệp, cộng đồng cựu sinh viên, các tổ chức khác.
Theo TS Nguyễn Trung Nhân, không hẳn học phí là một rào cản vì hiện nay các trường có nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó có cả học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trong khi đó, học phí đã được các trường công khai trong đề án tuyển sinh, bản thân thí sinh có thời gian tìm hiểu trước khi đăng ký nguyện vọng. Các trường cũng đã tư vấn cho thí sinh rất kỹ lưỡng.
Do vậy, trở ngại về học phí chỉ có thể xảy ra với các em đăng ký trường công nhưng không trúng tuyển mà trúng tuyển trường ngoài công lập. Trong khi đó, trường ngoài công lập ít có chính sách về hỗ trợ học phí cho thí sinh.
PGS Đỗ Văn Dũng, nguyên hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phân tích trong số hơn 120.000 thí sinh từ chối nhập học đại học sẽ được phân ra do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất, những thí sinh có điểm cao nhưng bỏ học đại học trong nước vì đã nộp hồ sơ đi học nước ngoài.
Do vậy việc đăng ký nguyện vọng trên hệ thống là phương án dự phòng và nếu các em không đi nước ngoài học mới lựa chọn trong nước. Số lượng này chiếm khoảng 20.000- 30.000 thí sinh/năm. Trong đó 3 nước Australia, Mỹ, Anh được nhiều thí sinh lựa chọn.
Nguyên nhân thứ hai do kinh tế gia đình thí sinh khó khăn, trong khi các trường đại học thực hiện tự chủ. Thí sinh có đăng ký xét tuyển nhưng bị chùng lại bởi học phí cao, gia đình không đủ điều kiện kinh tế. Một bộ phận thí sinh không đăng ký để xét tuyển bổ sung vào trường đại học địa phương gần nhà hoặc trường có học phí thấp hơn.
Nguyên nhân thứ 3 là thí sinh đi học nghề gần nhà, thời gian học ngắn, ra trường có thể làm việc, sau đó sẽ học liên thông lên đại học. Nguyên nhân thứ 4 là thí sinh đi xuất khẩu lao động và con số này hiện nay khá nhiều. Phần còn lại là thí sinh trúng tuyển vào những ngành không ưa thích hoặc triển vọng nghề nghiệp thấp.
“Hiện nay, ngân hàng chính sách xã hội có thể cho vay đến 8 triệu đồng/tháng, tuy nhiên nhiều gia đình, thí sinh có tâm lý sợ mang nợ nên không dám vay để đi học. Đây cũng là một rào cản lớn khiến thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học”- ông Dũng nói.
Nguồn: internet