Nhiều chuyên gia cho rằng, việc không cộng điểm khuyến khích chứng chỉ nghề vào xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là phù hợp do Chương trình phổ thông 2018 không còn quy định hoạt động dạy nghề như chương trình cũ.
Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Một trong những điểm mới đáng chú ý của dự thảo là không còn quy định về cộng điểm học nghề trong xét tốt nghiệp THPT.
Theo đó, Bộ GD-ĐT bỏ quy định học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên (GDTX) trong diện xếp loại hạnh kiểm có Giấy chứng nhận nghề được cấp trong thời gian học THPT được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại (loại Giỏi được cộng 2 điểm; Khá cộng 1,5 điểm; Trung bình cộng 1 điểm).
Có ý kiến băn khoăn nếu bỏ cộng điểm cho học sinh học nghề liệu có đi ngược việc khuyến khích phân luồng, giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, đa số đồng tình bởi điều này phù hợp với định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 khi học sinh không còn học nghề để lấy chứng chỉ sơ cấp nghề như chương trình phổ thông trước đó.
TS Hoàng Ngọc Vinh (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT) cho rằng, thực tế, việc học sinh học nghề phổ thông không phải vì mục tiêu phân luồng, hướng nghiệp để tiếp cận sớm với các nghề, mục đích chính là được cộng điểm khi xét tốt nghiệp THPT.
Như vậy, bản chất việc học nghề của học sinh không đạt hiệu quả như mong muốn. Chính vì vậy, ông Vinh hoàn toàn đồng thuận hướng bỏ việc cộng điểm trong xét tốt nghiệp THPT.
“Việc cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT rất thiếu logic. Việc tổ chức dạy nghề phổ thông không mang lại nhiều giá trị khi chương trình theo kiểu ‘cưỡi ngựa xem hoa’, trang thiết bị không có, giáo viên chỉ dạy khơi khơi, thậm chí không có kỹ năng dạy nghề. Có thể nói giá trị về kỹ năng nghề để có thể đưa vào học vấn là không có, đồng thời khó đáp ứng yêu cầu thị trường lao động. Tổ chức cho học sinh đi học nghề, nhưng rồi các em lại vào đại học, gần như chẳng mang lại ý nghĩa gì”, ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, nếu muốn tổ chức hay cộng điểm cần có chương trình theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề; còn không, chỉ mất thời gian, lãng phí. “Cần làm sớm, các nước đã bỏ từ lâu mô hình hướng nghiệp kiểu này. chúng ta nên thay việc này bằng việc có ý nghĩa hơn là hoạt động tư vấn hướng nghiệp. Nếu muốn, các trường phổ thông có thể kết hợp mời giảng viên trường nghề về dạy kỹ năng hẳn hoi cho học sinh theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề, có kiểm tra đánh giá rõ ràng”, ông Vinh nói.
Ở địa bàn khó khăn, thầy Nguyễn Nam Sơn (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Mường Lát, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) cho hay, việc bỏ cộng điểm nghề trong xét tốt nghiệp THPT năm 2025 là hợp lý bởi Chương trình GDPT 2018 đã không còn 105 tiết nghề phổ thông như chương trình trước đây.
“Không có học nghề trong chương trình thì không còn thi chứng chỉ nghề, do đó việc bỏ cộng điểm trong xét tốt nghiệp THPT cũng là điều dễ hiểu”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, một số nội dung của chương trình nghề phổ thông được lồng ghép và tích hợp vào môn học Hoạt động trải nghiệm – Hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.
Ông Sơn cho hay, trước đây, với Chương trình phổ thông 2006, học sinh Trường THPT Mường Lát thường chọn đăng ký học một trong số các nghề như Nghề làm vườn; Nghề điện dân dụng; Tin học văn phòng tại trường.
Kết thúc khóa học, hầu hết các em đăng ký dự thi để lấy chứng chỉ và tỷ lệ đạt thường 100%.
Theo ông Sơn, năm 2023, Trường THPT Mường Lát có 1 học sinh trượt tốt nghiệp. Khóa thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua, Trường THPT Mường Lát đạt tỷ lệ 100% học sinh tốt nghiệp THPT và lứa này (những học sinh cuối học theo chương trình phổ thông 2006) vẫn sử dụng điểm cộng chứng chỉ nghề phổ thông để xét tốt nghiệp.
Đối với địa bàn miền núi khó khăn, có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT chưa cao, ông Sơn cho rằng, đôi khi 1,5-2 điểm nghề rất quan trọng. Theo ông, nhà trường có chút lo lắng về việc tỷ lệ tốt nghiệp có thể thấp hơn.
Tuy vậy, ông Sơn cho hay, chính cái lo đó sẽ là động lực để thầy trò càng nỗ lực hơn trong dạy học, thay vì trông chờ vào việc cộng 1-2 điểm nghề để có thể đỗ tốt nghiệp. “Chúng tôi phân tích cho học sinh và ngay cả giáo viên hiểu rằng cần tập thích nghi, ít nhất tư duy không trông chờ, ỉ lại”, ông Sơn nói.
Nguồn: internet