Ngành Kỹ thuật vật liệu xây dựng

Ngành đào tạo:          KỸ THUẬT VẬT LIỆU XÂY DỰNG

                                   (Building Materials Engineering)

Trình độ đào tạo:        ĐẠI HỌC

Thời gian đào tạo:

      5 năm 

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

– Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật Vật liệu xây dựng nhằm đào tạo người kỹ sư toàn diện có phẩm chất chính trị, có đạo đức tư cách, có sức khoẻ, có khả năng làm việc tập thể, có đủ trình độ, năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao.

– Kỹ sư ngành Kỹ thuật Vật liệu xây dựng được trang bị kiến thức cơ bản rộng, có hiểu biết sâu sắc về cấu trúc, tính chất vật liệu xây dựng, cũng như công nghệ: xử lý, gia công, chế tạo và ứng dụng vật liệu xây dựng trong xây dựng công trình. Các kỹ sư ngành Kỹ thuật Vật liệu xây dựng có khả năng thiết kế công nghệ chế tạo vật liệu xây dựng, tổ chức và quản lý sản xuất vật liệu xây dựng, có khả năng tiếp cận các kỹ thuật mới nhằm nghiên cứu các vật liệu mới và công nghệ chế tạo chúng đáp ứng cho các loại công trình xây dựng nhằm phục vụ cho các nhu cầu đa dạng của sự phát triển kinh tế – xã hội, theo kịp sự tiến bộ khoa học kỹ thuật.

– Sau khi tốt nghiệp các kỹ sư của ngành có thể làm việc tại các cơ quan quản lý các cấp, các công ty tư vấn, các công ty sản xuất vật liệu xây dựng, các cơ quan nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo trọng lĩnh vực vật liệu xây dựng.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Giáo dục đại cương

 

 

1

Triết học Mác – Lênin

9

Đại số

2

Kinh tế chính trị Mác – Lênin

10

Giải tích 1

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

11

Giải tích 2

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt nam

12

Vật lý 1

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

13

Vật lý 2

6

Ngoại ngữ cơ bản

14

Hoá học đại cương

7

Giáo dục thể chất

15

Tin học đại cương

8

Giáo dục quốc phòng

 

 

Kiến thức cơ sở ngành

 

 

16

Cơ học cơ sở 1

26

Kiến trúc dân dụng và công nghiệp

17

Hóa học vô cơ và các vật liệu vô cơ

27

Đồ án kiến trúc dân dụng và công nghiệp

18

Sức bền vật liệu 1

28

Vật liệu xây dựng

19

Cơ học kết cấu 1

29

Hoá lý – hóa Keo

20

Nhiệt kỹ thuật

30

Cơ sở cơ khí 2

21

Kỹ thuật điện

31

Kết cấu bê tông cốt thép

22

Hóa hữu cơ – Pôlyme

32

Đồ án kết cấu bê tông cốt thép

23

Thuỷ lực cơ sở

33

Kinh tế công nghiệp Vật liệu xây dựng

24

Cơ sở cơ khí 1

34

Môi trường trong xây dựng

25

Hóa phân tích

 

 

Kiến thức ngành

 

 

35

Hoá lý Silicát

42

Đồ án chất kết dính vô cơ

36

Thiết bị nhiệt

43

Công nghệ Gốm xây dựng

37

Đồ án thiết bị nhiệt

44

Đồ án công nghệ Gốm xây dựng

38

Công nghệ bê tông xi măng I

45

Công nghệ bê tông xi măng II

39

Máy sản xuất vật liệu xây dựng

46

Đồ án công nghệ bê tông xi măng II

40

Đồ án Máy sản xuất vật liệu xây dựng

47

Tổ chức quản lý xí nghiệp

41

Công nghệ chất kết dính vô cơ

 

 

Thực tập và đồ án tốt nghiệp

 

 

48

Thực tập

49

Đồ án tốt nghiệp

Nội dung các học phần bắt buộc (Kiến thức CS ngành và Kiến thức ngành)

Cơ học cơ sở 1

Cung cấp cho sinh viên các kiến thức về cân bằng các chuyển động của vật rắn dưới tác dụng của ngoại lực và tác động tương hỗ giữa các vật rắn với nhau, các khái niệm cơ bản và kiến thức về cân bằng và chuyển động của vật thể ở 3 phần của cơ học: tĩnh học, động học, động lực học. Đặc biệt yêu cầu sinh viên phải nắm được các khái niệm và phương trình về cân bằng và chuyển động, liên kết, các nguyên lý cơ học.

Nội dung chính của học phần bao gồm các vấn đề sau:

Các khái niệm cơ bản về hệ tiên đề cơ học, lý thuyết về lực, bài toán cân bằng.

Các chuyển động cơ bản của vật rắn.

Các định luật của Newton, các định lý tổng quát của động lực học, nguyên lý Đalambe và nguyên lý di chuyển khả dĩ.

Hóa vô cơ và các vật liệu vô cơ

Trình bày hệ thống các quy luật biến thiên tính chất các nguyên tố và hợp chất quan trọng theo chu kỳ và nhóm trong bảng hệ thống tuần hoàn.

Phân biệt các vật liệu và chất kết dính vô cơ quan trọng, nắm được các tính chất hóa lý, cơ chế hoạt động và ứng dụng cơ bản của chúng. Nắm được các chất phụ gia, tính chất và ứng dụng của chúng trong việc chế tạo các vật liệu xây dựng.

Sức bền vật liệu 1

Học phần này cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về tính toán độ bền và độ cứng của thanh trong các trường hợp chịu lực đơn giản: kéo, nén, uốn, xoắn nhằm làm cơ sở để nghiên cứu các trạng thái chịu lực phức tạp khác. Ngoài ra học phần này còn nhằm mục đích xây dựng và bước đầu tạo cho sinh viên những trực giác kỹ thuật trong việc nhìn nhận sự làm việc của công trình, hình ảnh vật lý của các vấn đề kỹ thuật.

Nội dung cơ bản của học phần bao gồm các vấn đề sau:

Các khái niệm cơ bản về ứng lực, ứng suất trong bài toán thanh.

Trạng thái ứng suất đơn và phức tạp trong thanh

Các thuyết bền

Các đặc trưng hình học cần thiết khi tính toán thanh

Các bài toán thanh chịu xoắn và chịu uốn phẳng.

Cơ học kết cấu 1

Trang bị cho sinh viên các kiến thức cơ bản và kỹ năng tính toán nội lực các hệ thanh tĩnh định làm việc trong giai đoạn đàn hồi tuyến tính. Chuẩn bị kiến thức để nghiên cứu tiếp học phần tiếp theo về tính toán hệ siêu tĩnh. Nội dung chính của học phần là nghiên cứu các hệ thanh phẳng tĩnh định bao gồm các vấn đề sau:

Phân tích cấu tạo hình học

Phân tích nội lực của hệ chịu tải bất động và di động

Khái niệm hệ không gian

Nhiệt kỹ thuật

Các kiến thức cơ sở tính toán nhiệt trong các quá trình sấy, nung vật liệu. Các kiến thức tổng quát về trao đổi năng lượng qua đó tính được hiệu suất nhiệt của các thiết bị nhiệt.

Kỹ thuật điện

Các kiến thức cơ bản về mạch điện và các máy điện sử dụng trong kỹ thuật.

Hóa hữu cơ – Polymer

Cơ sở lý thuyết cơ bản của hoá hữu cơ polymer; các đặc điểm và tính chất quan trọng của polymer; Các phương pháp kỹ thuật tổng hợp polymer; Phạm vi ứng dụng của polymer trong xây dựng.

Thuỷ lực cơ sở

Các tính chất vật lý chủ yếu của chất lỏng, sự cân bằng, động lực học của chất lỏng (nén và không nén được), Sự chuyển động của chất lỏng qua lỗ vòi; Tính toán ống dẫn chất lỏng và chất khí; Chuyển động không ổn định và chuyển động tương đối giữa chất lỏng và vật rắn.

Cơ sở cơ khí 1

Các kiến thức cơ bản về kỹ thuật cơ khí như vật liệu chế tạo, các sản phẩm cơ khí; công nghệ gia công kim loại và hợp kim.

Hóa phân tích

Các hiểu biết về những phương pháp cơ bản để phân tích, đánh giá thành phần vật liệu, chất lỏng và khí. Tiến hành xác định được thành phần hoá học của một số vật liệu.

Kiến trúc dân dụng và công nghiệp

Các khái niệm cơ bản về kiến trúc, các nguyên lý thiết kế kiến trúc dân dụng và công nghiệp. Có khả năng tìm hiểu các bản vẽ, hồ sơ thiết kế kiến trúc – xây dựng và thiết kế kiến trúc trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Đồ án kiến trúc dân dụng và công nghiệp    

Nắm được các nguyên tắc thiết kế và trình tự thiết kế kiến trúc, có khả năng thiết kế kiến trúc trong công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và công trình dân dụng đơn giản.

Vật liệu xây dựng

Nội dung của học phần giới thiệu các kiến thức cơ bản về tính năng cơ lý và các yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu xây dựng phổ biến: đá thiên nhiên, gốm xây dựng, kim loại, kính, chất kết dính vô cơ, vữa, bê tông nặng dùng xi măng, silicát, gỗ, bê tông asphal, vật liệu hoàn thiện. Ngoài các vấn đề trên còn có 5 bài thí nghiệm giới thiệu các phương pháp kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu cơ lý của vật liệu xây dựng.

Hoá lý – Hoá keo

Các kiến thức cơ bản về nhiệt động hoá học, các hiệu ứng năng lượng của các quá trình hoá học, quá trình xảy ra trong dung dịch, cân bằng trong các hệ hoá học và hệ cấu tử.

Các kiến thức về hệ phân tán keo, các dung dịch chất hoạt tính bề mặt và cao phân tử, các kiến thức về Sol lỏng và Sol khí.

Cơ sở cơ khí 2

Những kiến thức cơ bản về động học và động lực máy, các nguyên lý làm việc của các chi tiết máy để khai thác và sử dụng tốt các thiết bị và máy. Tính toán đơn giản sơ bộ các chi tiết máy có công dụng chung dùng phổ biến.

Kết cấu bê tông cốt thép

Nội dung của học phần này nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về kết cấu bê tông cốt thép cũng như khả năng thiết kế các dạng kết cấu bê tông cốt thép thông thường. Nắm được sự làm việc của bê tông và cốt thép trong kết cấu bê tông cốt thép. Sau khi học xong sinh viên có thể thiết kế được các dạng kết cấu bê tông cốt thép thông thường.

Nội dung của học phần bao gồm các vấn đề cơ bản sau:

Tính toán và cấu tạo các cấu kiện chịu uốn, chịu nén, chịu xoắn và kéo.

Tính toán biến dạng và nứt.

Tính toán và cấu tạo các cấu kiện có ứng suất trước

Sàn phẳng.

Đồ án kết cấu bê tông cốt thép

Vận dụng những kiến thức đã học trong học phần Kết cấu bê tông cốt thép về tính toán và cấu tạo các cấu kiện chịu uốn để thiết kế một kết cấu cụ thể, ví dụ sàn sườn toàn khối có bản loại dầm. Tập dượt cho sinh viên cách thể hiện một bản vẽ thi công và làm quen với các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật.

Kinh tế công nghiệp Vật liệu xây dựng

Nghiên cứu các tính chất kinh tế – xã hội và vận dụng các quy luật của chủ nghĩa xã hội trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng; Các vấn đề về kinh tế của sản xuất xảy ra trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Môi trường trong xây dựng

Những kiến thức cơ bản về sinh thái & môi trường, ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường tới sức khoẻ con người, tới sản xuất, tới nền kinh tế và ngược lại.

Các nguyên nhân gây ô nhiễm, các giải pháp kỹ thuật & quy hoạch xây dựng, quản lý xã hội nhằm bảo vệ môi trường.

Hoá lý Silicát

Các hợp chất của Silíc, trạng thái tập hợp của Silicát; Phản ứng vật chất trạng thái rắn và sự thiêu kết; Cân bằng pha trong hệ Silicát.

Thiết bị nhiệt trong sản xuất vật liệu xây dựng

Các quá trình gia công nhiệt vật liệu và cấu kiện xây dựng. Các quá trình công nghệ thực hiện trong thiết bị nhiệt: quá trình cháy nhiên liệu, quá trình trao đổi nhiệt….  Các thiết bị và thông số công nghệ của chế độ gia công nhiệt vật liệu: xi măng, gốm, thủy tinh, bê tông, vật liệu cách nhiệt …v.v.

Đồ án Thiết bị nhiệt trong SXVLXD

Tính toán và thiết kế một thiết bị mới (lò sấy, lò nung, bể dưỡng hộ …) hoặc tính toán kiểm tra một thiết bị đã có dùng vào mục đích gia công nhiệt các sản phẩm và nguyên liệu.

Công nghệ bê tông xi măng 1

Những kiến thức cơ bản về bản chất và tính năng của vật liệu bê tông, các loại bê tông khác nhau (nặng, nhẹ, silicát, bền ăn mòn, chịu nhiệt ….) dùng trong các công trình xây dựng. Các kiến thức về thiết kế thành phần, sự rắn chắc, các tính chất và yếu tố ảnh hưởng.

Máy sản xuất vật liệu xây dựng

Giới thiệu các trang thiết bị thực hiện các quá trình chủ yếu trong sản xuất vật liệu xây dựng (đập, nghiền, sàng, phân loại, làm sạch, định lượng, cấp liệu, trộn, tạo hình, ….) Các công thức tổng quát về tính năng nguyên lý làm việc của thiết bị, tính toán các thông số chủ yếu để lựa chọn đúng thiết bị.

Đồ án máy sản xuất vật liệu xây dựng

Bổ sung cho môn học Máy sản xuất Vật liệu xây dựng. Thực hành lập sơ đồ công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng; Tính chọn các thiết bị, tính toán các thông số cơ bản chủ yếu của thiết bị, nghiên cứu các kết cấu máy và thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật.

Công nghệ chất kết dính vô cơ

Những kiến thức cơ bản về công nghệ sản xuất các chất kết dính vô cơ, các nguyên liệu sử dụng, các phương pháp sản xuất chủ yếu, một số tính chất và phạm vi sử dụng các chất kết dính vô cơ.

Đồ án chất kết dính vô cơ

Vận dụng các kiến thức về Công nghệ chất kết dính vô cơ, Thiết bị nhiệt, Máy sản xuất vật liệu xây dựng để thiết kế công nghệ nhà máy sản xuất chất kết dính, Lựa chọn phương pháp sản xuất, thiết lập dây chuyền sản xuất, tính toán thành phần phối liệu, tính toán chọn thiết bị, nhà xưởng, kho bãi.

Công nghệ Gốm xây dựng

Giới thiệu cấu trúc, tính chất các sản phẩm gốm xây dựng, chủng loại, ý nghĩa và cách sử dụng chúng. Các loại công nghệ chế tạo sản phẩm gốm xây dựng và phương pháp thiết kế công nghệ chế tạo chúng.

Đồ án công nghệ Gốm xây dựng

Giới thiệu về sản phẩm chế tạo (tính chất, ý nghĩa, phạm vi sử dụng …); Lựa chọn phương pháp và dây chuyền sản xuất … Tính và lựa chọn chế độ làm việc, trang thiết bị, tính toán chi phí năng lượng … Thể hiện quá trình công nghệ trên bản vẽ kỹ thuật của một số phân xưởng, các giải pháp công nghệ.

Công nghệ bê tông xi măng 2

Giới thiệu toàn bộ quá trình công nghệ chế tạo cấu kiện bê tông và bê tông cốt thép cũng như bê tông cốt thép dự ứng lực. Các phương pháp kiểm tra chất lượng hỗn hợp bê tông và bê tông cốt thép, hoàn thiện các sản phẩm bê tông. Các phương pháp công nghệ chế tạo các sản phẩm cấu kiện bê tông (dạng tấm, dạng ống, dạng khối,….).

Đồ án công nghệ bê tông xi măng 2  

Thiết kế một số phân xưởng trong công nghệ sản xuất các cấu kiện bê tông cốt thép: kho nguyên liệu, phân xưởng chế tạo hỗn hợp bê tông. Tính toán, lựa chọn trang thiết bị, các giải pháp công nghệ. Quá trình công nghệ thể hiện trên bản vẽ kỹ thuật của từng phân xưởng.

Tổ chức quản lý xí nghiệp

Nghiên cứu tính chất kinh tế – xã hội và các quy luật kinh tế trong các xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Giới thiệu những tính chất cơ bản về tổ chức sản xuất trong các doanh nghiệp công nghiệp vật liệu xây dựng.