Đại học Sư phạm Hà Nội cần nghĩ đến xây trường mới ở ngoại thành, giai đoạn 2025-2030, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu đề nghị này khi làm việc với trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sáng 15/5.
Theo ông, Đại học Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm đầu ngành, quan trọng số một của ngành giáo dục, nhưng cơ sở vật chất chưa xứng tầm. So với các trường ở những nước lớn lân cận, Sư phạm Hà Nội cần xây hẳn trường mới chứ không phải sửa chữa cơ sở hiện có.
“Trong xu thế di dời trường ở Hà Nội ra các huyện ngoại thành, trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cần tìm địa điểm. Chắc chắn, thành phố sẽ rất ủng hộ”, ông Sơn nói.
Ông Sơn gợi ý trường lập đề án để Bộ tổng hợp, đưa vào kế hoạch đầu tư giai đoạn 2025-2030, thuộc hạng mục quan trọng về xây dựng trường Sư phạm trọng điểm.
“Việc này cần bắt đầu ngay từ việc tìm đất, xin đất. Có thể kế hoạch này thành công ngay hoặc chưa, nhưng nếu không chuẩn bị, không có kiến nghị thì sẽ không bao giờ có trường mới”, ông nói.
Đề xuất của Bộ trưởng Sơn đưa ra sau khi ông Nguyễn Đức Sơn, tân Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ những thách thức về mặt cơ sở vật chất.
Ông Đức Sơn cho biết hiện trường có hơn 17.000 sinh viên đại học chính quy. Số học viên cao học và nghiên cứu sinh là gần 2.200, chưa tính học sinh THPT. Tuy nhiên, ký túc xá chỉ có 2.700 chỗ.
“Chúng tôi rất áy náy khi đội tuyển học sinh giỏi quốc gia đến đây tập huấn nhưng không thể bố trí chỗ ở tốt nhất cho các em”, ông Sơn nói.
Về giảng đường, trường đã được Bộ đầu tư xây lại tòa nhà A1, dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm nay. Song, trường còn hàng loạt tòa nhà như A2, 3, 4, được xây dựng cách đây vài chục năm, có chỗ lún gần một mét, không đảm bảo an toàn.
Ông kiến nghị Bộ hỗ trợ, đầu tư cho các khu nhà đã quá cũ và ký túc xá, thư viện, phòng thí nghiệm…
Ngoài đề nghị trường Đại học Sư phạm Hà Nội tính đến việc xây trường mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trường cũng cần đổi mới mô hình đào tạo giáo viên, theo xu hướng chung của các trường sư phạm trên thế giới.
Theo đó, trường cần phát triển theo hướng đa ngành, đào tạo giáo viên theo hướng mở các chương trình đào tạo cử nhân, ưu tiên các ngành khoa học cơ bản, kết hợp cấp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm và chứng chỉ hành nghề.
“Mô hình này sẽ giúp trường năng động, linh hoạt hơn. Phạm vi tuyển sinh và đào tạo rộng mở hơn, việc xây dựng đội ngũ, tư duy trong nghiên cứu và đào tạo cũng sẽ được điều chỉnh”, Bộ trưởng chia sẻ.
Đại học Sư phạm Hà Nội hiện là cơ sở đào tạo giáo viên lớn nhất cả nước. Mỗi năm, trường tuyển hơn 4.000 sinh viên.
Ngoài cơ sở vật chất, trường gặp thách thức về phát triển đội ngũ giáo viên. Trong 1.035 cán bộ hiện tại chỉ có 10 giáo sư, giảm một nửa so với giai đoạn 2021 trở về trước. Nhiều khoa như Công nghệ thông tin, Sư phạm tiếng Anh không giữ chân được sinh viên xuất sắc ở lại làm việc.
Việc tiến đến tự chủ chi thường xuyên cũng là khó khăn vì mức thu học phí theo quy định chưa bù đắp được kinh phí đào tạo.
Nguồn: vnexpress.net