1. Mục tiêu đào tạo
Tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ thuộc 2 nhóm chương trình đào tạo: định hướng nghiên cứu và định hướng ứng dụng.
– Chương trình đào tạo theo định hướng nghiên cứu cung cấp cho người học kiến thức chuyên sâu của ngành và phương pháp nghiên cứu khoa học phù hợp để có thể độc lập nghiên cứu, phát triển các quan điểm, lý thuyết khoa học, thử nghiệm kiến thức mới vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn; có khả năng thực hiện công việc ở các vị trí nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn và hoạch định chính sách hoặc các vị trí khác thuộc lĩnh vực ngành đào tạo.
– Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng giúp cho người học nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp; có năng lực làm việc độc lập, sáng tạo; có khả năng thiết kế sản phẩm, ứng dụng kết quả nghiên cứu, phát hiện và tổ chức thực hiện các công việc phức tạp trong hoạt động chuyên môn nghề nghiệp, phát huy và sử dụng hiệu quả kiến thức ngành vào việc thực hiện các công việc cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại cơ quan, tổ chức, đơn vị kinh tế.
2. Ngành đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh dự kiến
STT |
Tên ngành/CTĐT |
Mã số |
Chỉ tiêu |
1 |
Quản trị kinh doanh |
8340101 |
125 |
2 |
Kế toán |
8340301 |
50 |
3 |
Quản lý kinh tế |
8310110 |
200 |
4 |
Tài chính – Ngân hàng |
8340201 |
80 |
5 |
Quản trị nhân lực |
8340404 |
35 |
6 |
Kinh doanh thương mại (gồm 2 chuyên ngành: Kinh doanh thương mại và Marketing thương mại) |
8340121 |
50 |
Ghi chú: Căn cứ vào số lượng người dự tuyển đăng ký và kết quả tuyển sinh thực tế, chỉ tiêu tuyển sinh cụ thể cho từng ngành sẽ được điều chỉnh lại cho phù hợp với nhu cầu thực tiễn.
3. Thời gian và hình thức đào tạo
Thời gian đào tạo trình độ thạc sĩ theo hình thức chính quy là 1,5 năm (18 tháng), theo hình thức đào tạo vừa làm vừa học là 2,0 năm (24 tháng), bao gồm cả thời gian học các học phần và thời gian viết, bảo vệ luận văn/đề án tốt nghiệp thạc sĩ. Trong đó:
Định hướng nghiên cứu – Chính quy học vào các buổi sáng, chiều từ thứ 2 đến thứ 6 (trực tiếp, trực tuyến kết hợp).
Định hướng ứng dụng – Chính quy: (1) Học vào 2 buổi tối trong tuần (trực tuyến) và sáng, chiều thứ bảy (trực tiếp); (2) Học vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 (trực tiếp, trực tuyến kết hợp).
Định hướng ứng dụng – Vừa làm vừa học: Học vào các buổi sáng, chiều các ngày thứ bảy và chủ nhật (trực tiếp, trực tuyến kết hợp).
Ghi chú: Học viên có thể đăng ký lựa chọn học theo hình thức học phù hợp. Đối với cùng một chương trình đào tạo, quy mô lớp học phần phải đảm bảo tối thiểu từ 15 học viên trở lên.
4. Phương thức tuyển sinh:
– Phương thức tuyển sinh: Xét tuyển thông qua đánh giá hồ sơ và phỏng vấn người dự tuyển.
– Thang điểm xét tuyển: Theo quy định tại Phụ lục 01 của Thông báo.
5. Điều kiện dự tuyển
Đối tượng dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ là công dân Việt Nam và người nước ngoài đáp ứng được điều kiện sau:
5.1. Điều kiện về văn bằng
Người dự tuyển đã tốt nghiệp trình độ đại học ngành phù hợp được đăng ký dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ, trong đó:
a) Người dự tuyển tốt nghiệp đại học ngành/CTĐT trong danh mục các ngành nhóm 1 (ngành đúng, ngành gần hoặc các ngành/CTĐT ở trình độ đại học của Trường ĐHTM cấp bằng có độ tương đồng >=50% so với CTĐT của ngành đăng kí dự tuyển), không phải học bổ sung kiến thức trước khi xét tuyển, được dự tuyển theo chương trình thạc sĩ định hướng nghiên cứu và chương trình thạc sĩ định hướng ứng dụng ngay sau khi tốt nghiệp đại học.
b) Người dự tuyển tốt nghiệp đại học ngành/CTĐT trong danh mục các ngành thuộc nhóm 2 (phải học bổ sung) chỉ được dự tuyển theo chương trình định hướng ứng dụng nếu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực đăng ký dự tuyển và hoàn thành việc học bổ sung kiến thức 5 học phần (03 học phần cơ sở ngành và 02 học phần ngành) trong chương trình đào tạo bậc đại học của ngành dự tuyển tương ứng; không được dự tuyển theo chương trình định hướng nghiên cứu. Quy định các học phần bổ sung của từng ngành thực hiện theo Quyết định số 165/QĐ-ĐHTM ngày 17/02/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại và Quyết định số 910a/QĐ-ĐHTM ngày 06/6/2022 sửa đổi, bổ sung quy định học bổ sung kiến thức cho ứng viên đăng ký dự tuyển CTĐT định hướng ứng dụng. Danh mục các ngành phù hợp với ngành đăng ký dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ được quy định tại Phụ lục 02 của Thông báo.
Người dự tuyển được xem xét miễn học và thi học phần bổ sung nếu thoả mãn đồng thời các điều kiện sau: (i) Học phần xin miễn có tên trong Bảng điểm đại học của người dự tuyển (tên học phần ghi trong bảng điểm phải hoàn toàn trùng khớp với tên học phần bổ sung); (ii) Học phần có số tín chỉ từ 2 trở lên; (iii) Điểm học phần phải từ 5 trở lên (thang điểm 10).
c) Người tốt nghiệp đại học các ngành không có trong danh mục ngành phù hợp quy định tại Phụ lục 02 – Thông báo (các ngành theo quy định cũ trước đây), Trường ĐHTM sẽ căn cứ vào Bảng điểm đại học để xét điều kiện về văn bằng đối với từng trường hợp cụ thể.
d) Người dự tuyển có bằng đại học, thạc sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải được công chứng tiếng Việt và nộp kèm theo văn bản xác nhận văn bằng của Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường sẽ thành lập Hội đồng xét công nhận khối lượng chuyển đổi kết quả học tập và các học phần phải học bổ sung.
5.2. Điều kiện về ngoại ngữ
a) Người dự tuyển là công dân Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Ngôn ngữ nước ngoài được áp dụng là tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật và tiếng Nga.
Ứng viên đáp ứng yêu cầu này khi có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau:
– Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;
– Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do Trường Đại học Thương mại cấp trong thời gian không quá 02 (hai) năm tính đến ngày dự tuyển mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu tiếng Anh đạt trình độ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
– Có một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (quy định tại Phụ lục 03– Thông báo) hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển;
– Người dự tuyển không có chứng chỉ, văn bằng ngoại ngữ như quy định ở trên cần đăng ký tham gia kì thi đánh giá năng lực ngoại ngữ (tiếng Anh) do Trường Đại học Thương mại tổ chức. Thông tin cụ thể về các kì đánh giá sẽ được thông báo trên website của Trường. Người dự tuyển đã tham dự các kì đánh giá năng lực ngoại ngữ đầu vào do Trường tổ chức có giá trị 02 năm kể từ ngày ra Quyết định công nhận kết quả thi đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển.
b) Người dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Việt phải đạt trình độ tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) mà chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Việt.
5.3. Điều kiện về lý lịch
Có lý lịch bản thân rõ ràng, không trong thời gian thi hành kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên và không trong thời gian thi hành án hình sự, được cơ quan quản lý nhân sự nơi đang làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận.
5.5. Điều kiện về sức khoẻ
Người dự tuyển có đủ sức khỏe để học tập. Đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học Trường Đại học Thương mại sẽ xem xét, quyết định cho dự tuyển tùy tình trạng sức khoẻ và yêu cầu của ngành học.
5.6. Nộp hồ sơ đầy đủ, đúng thời hạn theo quy định của Trường Đại học Thương mại.
6. Đối tượng và chính sách ưu tiên
Thực hiện theo Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư số 23/2021/TT- BGDĐT ngày 30/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo và Quyết định số 86/QĐ-ĐHTM ngày 19/01/2022 của Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại.
7. Kế hoạch tuyển sinh
7.1. Hồ sơ dự tuyển
– Phiếu đăng ký dự tuyển đào tạo trình độ thạc sĩ (Tải mẫu tại đây)
– Bản sao có chứng thực bằng/giấy chứng nhận tốt nghiệp đại học, bảng điểm đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, bằng thạc sĩ (nếu có), bảng điểm cao học (nếu có). Người dự tuyển có bằng đại học hệ liên thông phải nộp cả bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp và bảng điểm trung cấp/cao đẳng. Đối với người dự tuyển tốt nghiệp đại học trong năm tuyển sinh chưa có bằng tốt nghiệp thì yêu cầu Giấy chứng nhận tạm thời trong đó ghi rõ số Quyết định công nhận tốt nghiệp đại học hoặc bản sao Quyết định công nhận tốt nghiệp đại học;
– Sơ yếu lý lịch có xác nhận của chính quyền địa phương, hoặc thủ trưởng cơ quan công tác. Ảnh trên sơ yếu lý lịch phải đóng dấu giáp lai (Tải mẫu tại đây)
– Minh chứng công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu (nếu có);
– Bản sao công chứng giấy tờ hợp pháp về đối tượng ưu tiên hoặc minh chứng về thâm niên công tác (nếu có);
– 01 Bản trích sao quyết định công nhận kết quả học bổ sung kiến thức hoặc Biên nhận đăng ký học bổ sung kiến thức (nếu có);
– Bản sao căn cước công dân;
– 04 Ảnh màu cỡ 4×6 (ghi rõ họ tên, ngày sinh của người dự tuyển vào mặt sau của ảnh);
– 01 Giấy chứng nhận của Cục Quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo về các văn bằng tốt nghiệp đại học do các trường đại học nước ngoài cấp (nếu có);
– Các giấy tờ khác (nếu có).
7.2. Hướng dẫn quy trình và thủ tục nộp đăng ký dự tuyển trình độ Thạc sĩ
Người dự tuyển tự tải các mẫu giấy tờ tại TẠI ĐÂY và hoàn thành hồ sơ dự tuyển theo hướng dẫn. Riêng mẫu Phiếu đăng ký dự tuyển có thể xuất từ phần mềm đăng ký thành công hồ sơ trực tuyến của Trường Đại học Thương mại.
Việc nộp hồ sơ dự tuyển cao học được thực hiện theo hai bước:
Bước 1: Đăng ký hồ sơ trực tuyến
– Người dự tuyển truy cập vào địa chỉ: https://tuyensinhsdh.tmu.edu.vn.
– Người dự tuyển nhập thông tin được yêu cầu (lưu ý: dấu * hiển thị tại những mục bắt buộc phải nhập dữ liệu).
– Ảnh cần tải lên phần mềm là ảnh 3×4 của người dự tuyển, phải giống với ảnh gửi kèm trong hồ sơ (bản giấy).
– Sau khi nhập dữ liệu, người dự tuyển xuất Phiếu dự tuyển với đầy đủ thông tin, định dạng lại trang in, in Phiếu dự tuyển dán ảnh và lấy dấu theo quy định.
– Thời gian khai hồ sơ trực tuyến: từ ngày ra thông báo đến trước ngày nộp hồ sơ bản giấy.
Bước 2: Nộp hồ sơ bản giấy
– Người dự tuyển tải hồ sơ dự tuyển thạc sĩ tại địa chỉ https://saudaihoc.tmu.edu.vn/. Hoàn thiện các giấy tờ cần thiết ở mục 7.1.
– Thời gian nộp hồ sơ vào giờ hành chính các ngày làm việc (từ thứ hai đến thứ sáu) trong khoảng thời gian từ ngày 12/6/2023 đến ngày 14/7/2023 và từ ngày 31/7/2023 đến ngày 13/10/2023.
– Địa điểm nộp hồ sơ: Phòng 101, nhà T, Viện Đào tạo Sau đại học –Trường Đại học Thương mại, 79 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
– Lệ phí xét tuyển: 750.000 đồng. Nộp theo hình thức chuyển khoản.
– Người dự tuyển chuyển khoản lệ phí xét tuyển theo số tài khoản:
Ngân hàng Vietcombank – Chi nhánh Hà Thành
|
Số tài khoản: 1021493056
Chủ tài khoản: Trường Đại học Thương mại Nội dung chuyển khoản: LPT36B Họ và tên_chuyên ngành (Ví dụ: LPT36B_Nguyen Van A_QLKT) |
7.3. Thời gian đăng ký và học bổ sung kiến thức
– Thời gian đăng ký: Từ ngày 12/6/2023.
– Thời gian học: dự kiến tổ chức vào tối thứ sáu và sáng, chiều các ngày thứ Bảy, chủ Nhật, bắt đầu từ ngày 31/07/2023 (trực tuyến, trực tiếp kết hợp).
7.4. Lịch thi và đăng ký ôn thi tiếng Anh
– Thời gian đăng kí ôn thi tiếng Anh từ ngày 12/6/2023 đến ngày 14/7/2023 và từ ngày 31/7/2023 đến ngày 13/10/2023.
– Thời gian tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cấp chứng chỉ VSTEP dự kiến vào các ngày 15,16/08/2023 và 30/9, 01/10/2023;
– Thời gian tổ chức Kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh nội bộ theo định dạng tương đương Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cấp chứng nhận dự kiến vào ngày 22 tháng 10 năm 2023.
– Trường tổ chức ôn thi miễn phí cho người dự tuyển đăng ký thi đánh giá năng lực tiếng Anh nội bộ (CEFR) và hỗ trợ lệ phí thi cấp Chứng chỉ tiếng Anh VSTEP cho người dự tuyển đăng ký dự thi tại Trường (hoàn trả lệ phí khi người dự tuyển trúng tuyển và nhập học).
7.5. Thời gian xét tuyển và gửi giấy báo
– Thời gian xét tuyển (dự kiến): Chủ nhât 29/10/2023.
– Thời gian gửi thông báo dự tuyển (qua thư điện tử): ít nhất 7 ngày trước ngày xét tuyển.
7.6. Thời gian công bố kết quả tuyển sinh và khai giảng khóa học
– Công bố kết quả tuyển sinh: Dự kiến từ ngày 01/11/2023 đến ngày 03/11/2023.
– Nhập học và khai giảng: Dự kiến từ ngày 08/11/2023 đến ngày 19/11/2023.
8. Học phí trong quá trình học tập
– Đơn giá học phí được công bố theo Thông báo mức thu học phí hàng năm của Trường, mức tăng tối đa 10%/năm và được công bố công khai trên Website của Trường.
Chi tiết xem tại Website: Viện Đào tạo Sau đại học, Trường Đại học Thương mại (https://saudaihoc.tmu.edu.vn/).
– Sinh viên mới tốt nghiệp Trường ĐHTM (01 năm kể từ ngày có Quyết định công nhận tốt nghiệp đến ngày đăng ký xét tuyển) sẽ được hỗ trợ 10% học phí toàn khoá học.
9. Thông tin liên hệ
– Viện Đào tạo Sau đại học, Phòng 101, nhà T–Trường Đại học Thương mại, 79 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
– Trang thông tin điện tử Trường Đại học Thương mại: https://tmu.edu.vn hoặc trang thông tin điện tử Viện Đào tạo Sau đại học: https://saudaihoc.tmu.edu.vn.
>> File đính kèm: THÔNG BÁO TUYỂN SINH THẠC SĨ ĐỢT 3, THÁNG 10/2023
Liên hệ: 0852.128.128 để được hộ trợ tư vấn.
Email: info@thongtintuyensinh.edu.
Nguồn: Internet