Hàng loạt trường đại học năm nay lấy điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ cao kỷ lục, trong đó có trường chạm ngưỡng 30 điểm.
Năm nay, Trường ĐH Luật Hà Nội lấy điểm chuẩn vào các ngành tại cơ sở Hà Nội đều không dưới 26,76. Trong đó, ngành Luật kinh tế có mức điểm chuẩn cao nhất với 30 điểm ở khối A00 và A01. Ở các tổ hợp khác, ngành này cũng lấy tiệm cận mức 30 như khối C00 với 29,8 điểm, D01 và D03 với 29,54 điểm, D05 với 29,17 điểm.
Mức điểm này là tổng điểm trung bình 5 học kỳ, trừ kỳ II lớp 12 của ba môn trong tổ hợp xét tuyển, cộng ưu tiên, khuyến khích và được tính theo thang 30.
Học viện Ngân hàng năm nay cũng lấy điểm chuẩn học bạ tại 8 chương trình đào tạo ở mức gần tuyệt đối 29,9/30, bao gồm Kiểm toán, Ngân hàng, Ngân hàng số, Tài chính, Công nghệ tài chính, Kinh doanh quốc tế, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng và Luật Kinh tế. Ngoài ra, chương trình Kế toán cũng lấy tới 29,8 điểm, Kinh tế đầu tư lấy 29,3 điểm.
Hai chương trình đào tạo chất lượng cao cũng có điểm chuẩn ở mức gần tuyệt đối 39,9/40, là Ngân hàng và Tài chính quốc tế, Marketing số.
Ở Trường ĐH Thương mại, điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ năm nay có ngành cũng lên tới 29,25 là Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng. Các ngành Marketing, Kinh doanh quốc tế, Kinh tế quốc tế, Thương mại điện tử cũng có điểm chuẩn ở mức 29. Như vậy, so với năm ngoái, đa số các ngành đều tăng 1 – 2 điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển này.
Tương tự, một số ngành của Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay cũng có điểm chuẩn “cao chót vót”. Cụ thể, thí sinh đăng ký vào ngành Sư phạm tiếng Anh của trường cần đạt trung bình 9,4 điểm/môn mới trúng tuyển vào ngành; ngành Sư phạm tiếng Trung cũng cần đạt 9,2 điểm/môn; ngành Sư phạm tiếng Đức, Sư phạm tiếng Hàn lấy 9,1 điểm/môn…
Trao đổi với VietNamNet, TS Hoa Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho hay, lý do khiến điểm chuẩn vào các ngành này ở mức cao bởi chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét học bạ khá ít, trong khi các thí sinh đăng ký vào đều là những học sinh xuất sắc của các trường chuyên, hệ chuyên trên cả nước.
“Đây là năm đầu tiên trường tuyển sinh theo phương thức này, do đó chỉ tiêu tuyển sinh khá hạn chế. Phần lớn chỉ tiêu của trường vẫn sẽ dành cho những thí sinh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, do đó nếu không đỗ theo phương thức này, các em vẫn còn nhiều cơ hội khác”, ông Sơn nói.
Để đảm bảo việc tuyển chọn được những thí sinh xuất sắc, bên cạnh kết quả học bạ, ông Sơn cho biết nhà trường cũng sẽ sàng lọc thí sinh thông qua một bài phỏng vấn trực tiếp trong vòng 10 phút.
“Do đặc thù của ngành ngôn ngữ, nhà trường cũng mong trò chuyện trực tiếp với thí sinh để nắm bắt được đam mê và sở thích của các em đối với ngành này, từ đó lựa chọn được các thí sinh phù hợp nhất vào trường”, ông Sơn nói.
Trong khi đó, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo của Học viện Ngân hàng, cho biết, đây không phải năm đầu tiên trường lấy mức điểm chuẩn suýt soát 30. Mùa tuyển sinh năm ngoái, nhiều chương trình đào tạo của Học viện Ngân hàng cũng đã có điểm trúng tuyển lên tới 29,8.
Theo ông Hà, điểm chuẩn vào Học viện cao xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào các chương trình đào tạo của Học viện trong các năm trở lại đây đều rất cao, đặc biệt với một số chương trình “hot”, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh lại có giới hạn.
Bên cạnh đó, Học viện cũng mong muốn lựa chọn được các thí sinh giỏi và xuất sắc, vì thế cộng điểm cho thí sinh có thành tích trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hay cấp tỉnh/thành phố, bên cạnh việc có điểm học bạ cao. Điều này cũng khiến điểm chuẩn của một số chương trình đào tạo tăng cao.
“Học viện Ngân hàng hướng tới việc đa dạng hóa các phương thức xét tuyển để lựa chọn được thí sinh phù hợp. Các tiêu chí về đối tượng xét tuyển, cách tính điểm xét tuyển, tiêu chí xét tuyển… đều được công khai đến thí sinh và xã hội, do đó, việc tuyển chọn rất công bằng và khách quan đối với tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển”.
Ông Hà cũng cho biết, các thí sinh có năng lực đều có thể xét tuyển ở nhiều phương thức khác nhau, không chỉ riêng xét tuyển bằng học bạ. Do đó, nếu không trúng tuyển theo phương thức này, thí sinh có năng lực vẫn còn nhiều cơ hội vào trường theo các phương thức khác như xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, dựa trên chứng chỉ quốc tế (SAT, IELTS…) hay dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Nguồn: internet