Trong mùa tuyển sinh đại học năm 2024, một số trường đại học đã lên phương án bỏ, giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả học bạ ở bậc THPT vì chưa đảm bảo chất lượng đầu vào.
Ví dụ trong đề án tuyển sinh 2024, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố vào ngày 28/12/2023 xét tuyển bằng ba phương thức chính: Xét tuyển thẳng 2% chỉ tiêu; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 18% và 80% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của nhà trường. Như vậy, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân không còn phương án tuyển sinh bằng học bạ THPT trong khi các năm trước, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10% chỉ tiêu.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, lý giải tuyển sinh các năm cho thấy nhóm thí sinh này có học lực rất giỏi và gần như đều đáp ứng các điều kiện khác như có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm thi đánh giá năng lực… Tỷ lệ trùng lặp với các nhóm đối tượng khác rất cao, dẫn đến tỷ lệ ảo tăng nên việc bỏ nhóm thí sinh này làm giảm tỷ lệ ảo mà ít ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh.
Trường đã có chủ trương mở rộng sử dụng kết quả các kì thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy uy tín như đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội (HSA), đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM (APT), đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội (TSA)… để tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Luật TP.HCM cũng thông báo không xét tuyển bằng điểm học bạ.
Việc liên tiếp nhiều trường đại học giảm, bỏ chi tiêu xét tuyển học bạ cho thấy xu thế tuyển sinh đang dần chú tâm tới chất lượng hơn số lượng và đang được một số trường top hưởng ứng, chú trọng.
Tuy nhiên, thực tế việc xét tuyển học bạ vẫn đang có rất nhiều trường ĐH áp dụng vì đây được đánh giá là một phương thức tuyển sinh dễ dàng, nhàn nhã với các trường song chất lượng đầu vào không đáp ứng như kỳ vọng.
Nhiều chuyên gia cho rằng về lý thuyết, xét tuyển bằng học bạ là hình thức tiên tiến nếu nó phản ánh đúng năng lực học sinh, kèm theo đó chất lượng đào tạo, kiểm tra, đánh giá phải đồng đều ở tất cả các địa phương và phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, hai điều này đều khó đảm bảo khi xét trên phạm vi rộng. Bên cạnh đó, theo kết quả đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ của học sinh do Bộ GD&ĐT tiến hành những năm gần đây có độ vênh tại nhiều địa phương. Điều này cho thấy, chất lượng dạy và học ở bậc phổ thông hiện nay chưa đồng đều do mỗi địa phương, mỗi trường sử dụng các thước đo khác nhau. Và nếu nhìn trên bình diện chung, việc các trường chỉ sử dụng điểm học bạ THPT để tuyển sinh vào ĐH là chưa đủ độ tin cậy đối với xã hội.
Theo Bộ GD&ĐT, dù điểm học bạ có được sử dụng để xét tuyển ĐH hay không, các trường phổ thông phải có trách nhiệm, biện pháp đảm bảo tin cậy, công bằng, đánh giá đúng kết quả của người học.