Thiết kế vi mạch là một trong những ngành hot nhất năm 2024 bởi nhu nhu cầu nhân lực ngành này luôn rất cao và mức thu nhập thì hấp dẫn. Ở Việt Nam hiện nay, vi mạch được coi là ngành rất quan trọng và có thể coi là lĩnh vực nền tảng quan trọng cho nhiều lĩnh vực khác. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới công nghệ vi mạch cũng đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển, giàu mạnh của nhiều quốc gia. Vì vậy, ngành thiết kế vi mạch được đánh giá sẽ là ngành nghề nổi bật, khát nhân lực trong thời gian tới.
Nhiều trường tuyển sinh ngành mới – Thiết kế vi mạch từ năm 2024.
Từ cuối năm 2023, ba trường thuộc Đại Học Quốc Gia TP.HCM là Đại Học Bách Khoa, Công Nghệ Thông Tin và Khoa Học Tự Nhiên được phê duyệt mở nhóm ngành Thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Sang năm 2024, có hơn 10 trường công bố tuyển sinh ngành Thiết kế vi mạch, Công nghệ bán dẫn. Trong đó, phải kể đến các trường như: Đại Học Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại Học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt – Hàn (ĐH Đà Nẵng), Trường Đại Học Bách Khoa (ĐH Đà Nẵng), Trường Đại Học Cần Thơ, Trường Đại Học Quốc Tế Sài Gòn, Trường Đại Học FPT, Trường Đại Học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM,…
Điểm chuẩn ngành Thiết kế vi mạch thế nào?
Tuyển sinh vào ngành Thiết kế vi mạch thường xét tổ hợp A0 (Toán – Lý – Hóa) và tổ hợp A1 (Toán – Lý – Anh) với phương thức xét tuyển học bạ hoặc xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Về điểm chuẩn, theo nhu cầu ngày càng cao, ngành Thiết kế vi mạch dự kiến sẽ có điểm chuẩn không thua kém các ngành hót như Tự động hóa, Công nghệ thông tin,… Dó đó, thí sinh có thể tham khảo điểm chuẩn của các ngành này để định hướng:
Điểm chuẩn Đại Học Công nghệ thông tin (ĐHQG TPHCM) theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật máy tính/ chuyên ngành Thiết kế vi mạch năm 2023 là 25,4
Điểm chuẩn Đại Học Bách Khoa Hà Nội/ chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật điện tử – Viễn thông theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 là 26,46 với chương trình chuẩn và 25,99 với chương trình tiên tiến.
Điểm chuẩn Đại Học Bách Khoa Tp HCM/ chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong Điện tử – Viễn thông năm 2023 là 66,59 – theo cách tính điểm riêng
Cơ hội làm việc ngành Thiết kế vi mạch như thế nào, mức lương ra sao?
Hiện nay, ở Việt Nam có hơn 50 công ty vi mạch hoạt động. Một số công ty tiêu biểu như: Intel, Marvel, Synosys, Ampe, Computing (Mỹ), Renesas (Nhật), Bridge Tek và Faraday Việt Nam (Đài Loan).
Theo số liệu công bố từ Cổng thông tin khoa học và công nghệ quốc gia, tính đến năm 2022, Việt Nam có khoảng 5.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực Thiết kế vi mạch. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được đào tạo cho ngành này hầu như không đáp ứng đủ cho nhu cầu thị trường nhân lực nên hầu hết các sinh viên ngành này ra trường đều có việc.
Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Bộ TT&TT cho biết ngành công nghệ bán dẫn, cụ thể ngành Thiết kế vi mạch cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, tuy nhiên nhân lực hiện tại mới chỉ đáp ứng được dưới 20% Đây chính là cô hội lớn những người yêu thích nghiên cứu khoa học.
Khảo sát của Hội đồng công vi mạch – bán dẫn TP.HCM (HSIA) cho biết mức lương của kỹ sư ngành Thiết kế vi mạch khi mới ra trường khoảng 15 triệu đồng/ tháng, với kỹ sư đã ra trường có kinh nghiệm từ 1-3 năm mức lương dao động từ 15-30 triệu đồng/ tháng. Sau 6 năm, họ có thể nhận được mức lương từ 0,6 – 1 tỷ đồng/ năm và sau 10 năm mức lương có thể lên tới hơn 1,5 tỷ đồng/ năm.
Kết lại, ngành Thiết kế vi mạch là một ngành mới, định hướng phát triển tốt trong mười đến mười lăm năm tới. Đồng thời nó sẽ đem đến cơ hội việc làm tốt và mức lương hấp dẫn cho những người đam mê, yêu thích nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.