Nhiều học sinh, phụ huynh Hà Nội đang sốt ruột chờ tin Sở GD-ĐT công bố số môn thi vào lớp 10 công lập năm 2024.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2024. Đến thời điểm này, nhiều phụ huynh, học sinh vẫn thấp thỏm, ngóng đợi thông tin chốt thi 3 hay 4 môn.
Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, về phương thức tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, năm học 2024-2025, Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển, bao gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Môn thi thứ 4 nếu có, sẽ được công bố trong tháng 3/2024.
Chia sẻ với VietNamNet, anh Nguyễn Hồng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, những ngày này, không chỉ cô con gái lớp 9 mà vợ chồng anh cũng “lòng cũng như lửa đốt” đợi thông tin Hà Nội có thi thêm môn thứ 4 hay không.
“Thi 3 môn như năm ngoái còn đỡ nhưng nếu thêm môn thi thứ 4 con thêm vất vả, còn vợ chồng tôi sẽ lo lắng hơn”.
Anh Hồng cho hay, vợ chồng anh lo lắng bởi trường hợp tổ chức thi môn thứ 4 đúng vào môn học thế mạnh của con chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp, trong khi thi càng nhiều môn áp lực càng nặng.
“Cứ thêm một môn, con phải chia sức ra để ôn luyện, học thêm. Chưa kể, hiện tại, trên lớp, con vẫn phải hoàn thành chương trình tất cả các môn học”.
Dù con gái có học lực giỏi ở trường top đầu của quận nhưng anh Hùng vẫn không yên tâm bởi “việc thi cử khó ai lường trước” được. Dù con gái không nói nhưng anh hiểu con đang rất áp lực. “Con lo lắng đến mức ít nói hơn thường lệ. Ngày nào cũng học đến 11, 12h đêm”.
Giờ nếu thi thêm môn nữa, lịch học của con sẽ rất căng thẳng. Bởi hiện nay ngoài học trên trường, con đã đi học thêm kín tuần các buổi tối, bao gồm cả thứ Bảy và Chủ Nhật.
“Hiện nay, đều đặn hôm nào cũng vậy, học trên trường về, ăn tối xong, con đi học thêm từ 7h30 đến 9h30. Sau đó về mới xử lý bài trên lớp. Nhiều hôm cũng vì thức học, sáng hôm sau con đi học muộn. Đó mới chỉ 3 môn, giờ nếu thêm môn nữa, gia đình tôi lại phải tìm thêm chỗ học thêm cho con”, vị phụ huynh nói.
Anh Hồng tính toán, hiện nay, với việc học thêm 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh kín các buổi tối trong tuần, mỗi tháng gia đình anh đã mất gần 6 triệu đồng. Tuy nhiên, anh cho biết, đây cũng chỉ là mức chi cho việc học thêm đại trà, chưa “thấm” gì so với việc một số nhà thuê gia sư hay học ôn thầy cô giáo có tiếng. Thi thêm môn, vợ chồng anh lại thêm gánh nặng về kinh tế.
Sốt ruột không kém vợ chồng anh Hồng, chị Thùy Linh (quận Cầu Giấy) cũng chia sẻ: “Thực sự tôi không hiểu tại sao Hà Nội phải công bố số môn thi vào lớp 10 muộn như thế? Trong khi các tỉnh khác đã công bố”.
Tương tự, M.H (học sinh lớp 9 một trường THCS quận Thanh Xuân) rất áp lực và mệt mỏi khi ngày nào cũng phải đi học thêm ngoài việc học trên lớp. “Không chỉ em mà các bạn trong lớp cũng đi học thêm khắp nơi, ai cũng lo trượt nguyện vọng vào lớp 10. Hiện nay, mới có thông tin 3 môn, em đã thấy không có thời gian để nghỉ ngơi, thêm 1 môn nữa chắc chúng em không có thời gian để ngủ. Em mong sao giai đoạn này sớm trôi qua”, M.H chia sẻ.
Những ngày này, chủ đề mà các phụ huynh trao đổi sôi nổi trên khắp các diễn đàn, bất kể ngày đêm đó là: “Có nên thi thêm môn thứ 4 để tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội hay không?”.
Phần đa phụ huynh đều mong muốn Sở GD-ĐT Hà Nội có thể bỏ môn thi thứ 4 để con bớt áp lực thi cử. Không ít người chia sẻ bài đăng, bình luận trên mạng xã hội như một cách giải tỏa áp lực cho chính mình và bày tỏ tâm tư đến Sở GD-ĐT Hà Nội.
Bên cạnh những ý kiến mong bỏ bớt môn thi, cũng có luồng quan điểm phân vân, lo ngại việc bỏ môn thi thứ 4 có thể khiến học sinh học lệch, chỉ tập trung vào những môn của kỳ thi mà xao nhãng các môn học còn lại.
Theo nhiều phụ huynh, trong trường hợp Sở GD-ĐT Hà Nội vẫn quyết định thi thêm môn thứ 4 nên công bố sớm, để học sinh có kế hoạch và lộ trình chuẩn bị, ôn tập.
Trao đổi với VietNamNet, hiệu trưởng một trường THCS ở quận Đống Đa, cho hay, các phụ huynh dù lo lắng nhưng cũng cần bình tĩnh để định hướng dài hơn cho con.
“Mỗi tỉnh, thành có một phương án tuyển sinh lớp 10 khác nhau. Hà Nội thường công bố số môn thi, thi môn nào vào khoảng tháng 3 – giai đoạn giữa học kỳ của lớp 9”.
Theo vị này, việc học lệch hay xao nhãng các môn khác sau khi công bố môn thi nếu có, cũng chỉ một bộ phận rất nhỏ, không phải số đông các em bỏ bê hoàn toàn các môn để tập trung môn thi vào lớp 10.
Tuy nhiên, theo thầy giáo này, kể cả thi 3 hay 4 môn, phụ huynh cũng cần nhắc nhở, giải thích cho con hiểu việc trang bị kiến thức toàn diện là vô cùng cần thiết, đặc biệt để có hành trang sau khi vào lớp 10.
“Các phụ huynh cần thay đổi nhận thức. Bởi không phải việc đỗ được vào trường THPT công lập là mục tiêu duy nhất. Cho dù không có môn thi thứ 4, các trường và các thầy cô vẫn có trách nhiệm bồi đắp kiến thức các môn học để học sinh hoàn thành chương trình THCS, thậm chí cung cấp thêm những kiến thức để sau này khi lên THPT các em có nền tảng để chọn được các tổ hợp theo học tiếp.
Do đó, ở thời điểm này, phụ huynh và học sinh cần đồng quan điểm, nhận thức rằng việc hoàn thành chương trình các môn THCS là một trong những mục tiêu rất quan trọng và buộc học sinh và các thầy cô phải thực hiện một cách nghiêm túc. Bởi kể cả khi đỗ vào trường THPT, các em vẫn phải học tập tiếp và để việc học tập tiếp được tốt, buộc các em phải có cả kiến thức và kỹ năng của các môn học trong tổ hợp (chứ không phải chỉ những môn thi) mà mình lựa chọn ở những năm học tiếp”.
Do đó, vị hiệu trưởng khuyên các thầy cô ôn luyện cũng như các em học sinh cần phân bổ thời gian hợp lý, trước mắt cần hoàn thành chương trình THCS. “Tức không có nghĩa khi biết số môn thi hay thi môn nào, các em bỏ bê các môn còn lại. Đó là quan điểm rất sai lầm”.
Nguồn: internet