Hơn 70% chọn phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 với 5 môn

Kết quả khảo sát phân tán

Có hai phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được Bộ Giáo dục & Đào tạo lấy ý kiến góp ý. Trong quá trình này, phát sinh thêm một phương án do một số tỉnh thành đề xuất.

Cụ thể, trong số 130.672 cán bộ, giáo viên trên cả nước được hỏi ý kiến có 34.521 người (chiếm 26,41%) chọn phương án 4+2.

Có nghĩa học sinh THPT sẽ thi sáu môn gồm bốn môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và hai môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Thí sinh học hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi năm môn gồm: ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, lịch sử và hai môn lựa chọn (không thi ngoại ngữ).

Có 96.151 người (chiếm 73,59%) chọn phương án 3+2. Có nghĩa học sinh THPT sẽ thi năm môn với ba môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai môn lựa chọn trong số các môn còn lại học ở lớp 12.

Thí sinh hệ giáo dục thường xuyên sẽ thi bốn môn với hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn lựa chọn. Trong quá trình khảo sát, TP.HCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn có đề xuất thêm phương án 2+2. Có nghĩa học sinh THPT sẽ thi hai môn bắt buộc là toán, ngữ văn và hai môn lựa chọn (gồm cả ngoại ngữ, lịch sử).

Hon 70% chon phuong an thi tot nghiep THPT 2025 voi 5 mon

Đề thi kế thừa định dạng cũ

Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo duc & Đào tạo) Nguyễn Ngọc Hà cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 có 10 môn thi. Nếu tính tách bạch bảy môn ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Nga) thì có 17 môn thi.

Theo ông Hà, đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ kế thừa định dạng cũ, đồng thời có sự thay đổi phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.


“Bộ đang nghiên cứu các dạng thức đánh giá mới, như kết hợp hài hòa giữa phương thức trắc nghiệm bốn phương án – một phương án đúng với phương thức trắc nghiệm bốn phương án đúng – sai và câu hỏi mở. Khoảng tháng 10, tháng 11 sẽ có định dạng đề thi tốt nghiệp THPT 2025, sau đó tiến hành thử nghiệm trên một số địa phương”, ông Hà cho biết.

GS Đỗ Đức Thái (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) trong cuộc trao đổi về đổi mới thi tốt nghiệp THPT mới đây đã phân tích, Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phương thức thi và công nhận tốt nghiệp là khâu cuối cùng của cả tiến trình thực hiện.

Nó có trách nhiệm thực hiện mục tiêu của giáo dục phổ thông, thực hiện yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh.

“Điều đó có nghĩa là đánh giá giáo dục phải tuân thủ nguyên lý học gì thi nấy. Không thể để xảy ra việc đánh giá giáo dục điều tiết, chi phối mục tiêu giáo dục, tức là không thể để xảy ra việc thi gì học nấy được”, ông Thái nêu quan điểm.

Với quan điểm này, ông Thái cho rằng cần tạo dựng niềm tin với cha mẹ học sinh về giá trị môn học mang lại để lôi cuốn học sinh. Không thể dùng biện pháp hành chính bắt buộc thi để buộc học sinh phải học môn đó.


Theo Báo Tuổi Trẻ

nguồn:tuyensinh247.com