Ngành Hệ thông thông tin kinh tế

Ngành đào tạo:           HỆ THỐNG THÔNG TIN KINH TẾ 

(Economic information Systems)

Trình độ đào tạo:       Đại học

Thời gian đào tạo:       4 năm

Mục tiêu đào tạo

Đào tạo cử nhân ngành Hệ thống thông tin kinh tế có phẩm chất chính trị, đạo đức và sức khoẻ tốt; Nắm  vững những kiến thức cơ bản về kinh tế-xã hội và quản trị kinh doanh, có kiến thức chuyên sâu về Tin học kinh tế và Tin học quản lý, có năng lực tổ chức ứng dụng và phát triển các ứng dụng tin học trong hoạt động của các tổ chức kinh tế-xã hội. Sinh viên tốt nghiệp làm việc tại các bộ phận tin học trong các doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước.

Chương trình đào tạo

Danh mục các học phần bắt buộc 

Kiến thức giáo dục đại cương                                          

1

Triết học Mác-Lênin

7

Toán cao cấp

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

8

Lý thuyết xác suất và thống kê toán

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

9

Pháp luật đại cương

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

10

Tin học đại cương

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

11

Giáo dục Thể chất

6

Ngoại ngữ

12

Giáo dục Quốc phòng

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp                                  

a. Kiến thức cơ sở của khối ngành   

1

Kinh tế vi mô I

2

Kinh tế vĩ mô I

b. Kiến thức cơ sở của ngành                                                      

1

Nguyên lý kế toán

4

Kiến trúc máy tính và hệ điều hành

2

Quản trị học

5

Hệ thống thông tin quản lý

3

Toán rời rạc

c. Kiến thức ngành                                                                      

1

Cơ sở lập trình

4

Phát triển hệ thống thông tin kinh tế

2

Cấu trúc dữ liệu và giải thuật

5

Mạng và truyền thông

3

Cơ sở dữ liệu

Nội dung các học phần bắt buộc (Khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Kinh tế vi mô I

Giới thiệu các kiến thức cơ bản và cơ sở về hoạt động của nền kinh tế thị trường thông qua việc phân tích các quy luật kinh tế cơ bản như quy luật cung  cầu, quy luật cạnh tranh. Học phần còn đề cập đến hành vi của các thành viên trong một nền kinh tế: người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính phủ. Qua đó sinh viên sẽ được trang bị công cụ phân tích để hiểu và có thể áp dụng khi học các  học phần tiếp theo.

Kinh tế  vĩ mô I

Giới thiệu một số khái niệm cơ bản của kinh tế vĩ mô, bao gồm: Đo lường tổng sản lượng và mức giá của nền kinh tế; Mô tả hành vi của nền kinh tế trong dài hạn: Các nhân tố qui định tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp và lạm phát trong dài hạn; Giới thiệu những tư tưởng chính về tổng cung, tổng cầu và cân bằng kinh tế vĩ mô; Lạm phát và thất nghiệp trong ngắn hạn; Giới thiệu các vấn đề kinh tế vĩ mô của một nền kinh tế mở bao gồm cán cân thanh toán, tỷ giá hối đoái và các chính sách thương mại.

Nguyên lý kế toán

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về lý thuyết kế toán: Các khái niệm, bản chất, đối tượng, mục đích, chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của kế toán; Các phương pháp kế toán; Quá trình thu thập, ghi chép số liệu kế toán, trình tự kế toán các quá trình kinh doanh chủ yếu; Các hình thức kế toán; Nội dung và các hình thức tổ chức công tác kế toán.

Quản trị học

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về quản trị và sự vận dụng thực tiễn doanh nghiệp của nó như: Khái niệm và bản chất của quản trị; Nhà quản trị; Môi trường quản trị; Các lý thuyết quản trị (cổ điển và hiện đại); Các chức năng của quản trị: hoạch định, tổ chức, giám đốc/điều hành và kiểm tra/kiểm soát.  Học phần còn cập nhật một số vấn đề mới của quản trị học hiện đại như quản trị thông tin và ra quyết định, quản trị sự đổi mới/thay đổi, quản trị xung đột, quản trị rủi ro và cơ hội của một doanh nghiệp.

Toán rời rạc 

Học phần cung cấp những kiến thức tối thiểu của toán học rời rạc dùng làm cơ sở cho việc học tập chuyên sâu về khoa học máy tính, ở cả hai lĩnh vực phần cứng và phần mềm. Những vấn đề cơ bản thuộc lý thuyết tập hợp, lôgíc toán, đại số mệnh đề, đại số quan hệ, lý thuyết thuật toán, lý thuyết đồ thị hữu hạn và kỹ thuật số sẽ được đề cập đến. Học phần còn giúp sinh viên hình thành tư duy lôgíc, rành mạch, chính xác và có cách nhìn “rời rạc hóa những quá trình liên tục”; nhờ vậy, họ sẽ có thể tiếp thu dễ dàng hơn những kiến thức sâu rộng đang phát triển không ngừng trong lĩnh vực công nghệ thông tin.

Kiến trúc máy tính và hệ điều hành

Học phần cung cấp những kiến thức cơ bản về Kiến trúc máy tính điện tử và Hệ điều hành làm cơ sở cho các học phần khác về khoa học máy tính và hệ thống thông tin kinh tế.

Nội dung của học phần bao gồm các chủ đề: 1/ Phân loại máy tính, 2/ Kiến trúc, nguyên lý hoạt động và chức năng của các khối cơ bản thuộc phần cứng của máy tính điện tử như: bộ xử lý trung tâm, bộ nhớ, các thiết bị vào ra, các kênh truyền tin, 3/ Các phương pháp đo năng lực của máy tính điện tử, 4/ Khái niệm hệ điều hành, 5/ Phân loại hệ điều hành, 6/ Các chức năng của hệ điều hành, 7/ Các module chính của hệ điều hành như quản lý các tiến trình, quản lý và cấp phát bộ nhớ…  8/ Cài đặt và sử dụng một vài hệ điều hành thông dụng.

Hệ thống thông tin quản lý  

Học phần cung cấp những kiến thức và kỹ năng về hệ thống thông tin quản lý như một trong các bộ phận chức năng quan trọng nhất tạo nên sự thành công của mọi tổ chức kinh tế xã hội hiện đại. Học phần trình bày cách thức sử dụng và tái tổ chức hệ thống thông tin để khai thác hệ thống một cách có hiệu quả nhằm góp phần tạo ra những hàng hoá và dịch vụ có chất lượng cao và dành được lợi thế cạnh tranh.

Nội dung của học phần bao gồm: Những khái niệm cơ sở về hệ thống thông tin quản lý; Các yếu tố cấu thành; Vai trò, vị trí và tầm quan trọng của hệ thống trong tổ chức; Những phương thức mà hệ thống trợ giúp các hoạt động kinh doanh, hỗ trợ việc ra quyết định và tạo ra lợi thế cạnh tranh; Quy trình tổ chức và phương pháp tiến hành giải quyết những vấn đề kinh doanh bằng hệ thống thông tin dựa trên cơ sở công nghệ thông tin; Nghiên cứu một vài hệ thống thông tin tiêu biểu dưới dạng khảo sát tình huống (Case Study).

Cơ sở lập trình

Học phần giới thiệu những khái niệm và nguyên lý cơ bản của việc thiết kế thuật toán và lập chương trình cho máy tính điện tử. Sau khi hoàn tất học phần, sinh viên sẽ nắm được những kiến thức cơ sở về thuật toán và chương trình, các cấu trúc dữ liệu tiền định trong ngôn ngữ thuật toán, các cấu trúc điều khiển, các kỹ thuật lập trình căn bản để giải các bài toán quản lý mà đặc biệt là kỹ thuật thiết kế “trên xuống (top-down design)” và kỹ thuật lập chương trình con. Một ngôn ngữ lập trình hiện đại thông dụng sẽ được dùng làm phương tiện để trình bày.

Cấu trúc dữ liệu và giải thuật

Học phần giúp sinh viên thực sự hiểu được tầm quan trọng của giải thuật và các tổ chức dữ liệu – hai thành tố quan trọng nhất của một chương trình lập cho máy tính điện tử. Sinh viên được trang bị những kiến thức cơ bản về các kiểu cấu trúc dữ liệu thông dụng và các giải thuật trên các cấu trúc dữ liệu ấy. Các kiểu cấu trúc dữ liệu được nghiên cứu bao gồm: Danh sách (List), Mảng (Array), Danh sách liên kết (Linked List), Ngăn xếp (Stack), Hàng đợi (Queue), Cây (Tree) và Đồ thị (Graph).

Cơ sở dữ liệu

Học phần giới thiệu những kiến thức cơ bản về các hệ thống cơ sở dữ liệu và bao hàm những khái niệm về quản lý dữ liệu, ngân hàng dữ liệu, mô hình hoá dữ liệu – các loại mô hình, quan hệ giữa các thực thể, chuẩn hoá dữ liệu, ngôn ngữ truy vấn dữ liệu có cấu trúc SQL (Structured Query Language) và các hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu. Cơ sở lý thuyết của mô hình dữ liệu quan hệ cũng được đề cập đến.  Sinh viên học xong học phần này sẽ nhận thức được vai trò và sự cần thiết của hệ thống quản lý dữ liệu đối với một tổ chức kinh tế-xã hội, có khả năng thiết kế và tạo lập những cơ sở dữ liệu dựa trên một hệ quản trị cơ sở dữ liệu thông dụng, có khả năng sử dụng ngôn ngữ SQL và một ngôn ngữ nào đó để lập trình quản lý cơ sở dữ liệu.

Phát triển hệ thống thông tin kinh tế

Học phần trình bày các khái niệm phân tích, thiết kế và cài đặt hệ thống thông tin theo năm công đoạn của chu kỳ phát triển hệ thống: Hình thành và đánh giá tính khả thi của dự án xây dựng hệ thống; Phân tích hệ thống; Thiết kế hệ thống; Triển khai cài đặt hệ thống; Vận hành và bảo trì hệ thống. Sau khi hoàn tất  học phần, sinh viên sẽ có tầm nhìn hệ thống thông tin dưới góc độ của nhà quản lý kinh tế và quản trị kinh doanh, hiểu được quy trình phát triển hệ thống và nắm được những kỹ thuật cần thiết cho quá trình phân tích, thiết kế và cài đặt hệ thống.

Mạng và truyền thông

Học phần cung cấp các kiến thức cơ bản về mạng máy tính và truyền thông. Nội dung của học phần bao hàm: Các đặc trưng và thành phần của các kiểu mạng như LAN, WAN, Internet…; Các khái niệm liên quan đến mỗi tầng trong mô hình OSI; Cách sử dụng các cấu kiện mạng như Cables, NIC, Modems, Repeaters… trong quy trình thiết kế một mạng LAN và việc quản trị mạng. Một hệ điều hành mạng tiêu biểu như Novelle Netware hay Windows XP sẽ được chọn lựa làm phương tiện để trình bày.