Ngành Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp

Ngành đào tạo:           SƯ PHẠM KỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP

(Industrial Technique Teacher Education)

Trình độ đào tạo:        Đại học

Thời gian đào tạo:       4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Mục tiêu chung

Đào tạo giáo viên trình độ cử nhân khoa học có đủ năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm để đáp ứng được các yêu cầu đổi mới của giáo dục trung học phổ thông; có đủ năng lực tự học, tự nghiên cứu và trình độ để có thể tiếp tục học tập ở trình độ đào tạo cao hơn.

Mục tiêu cụ thể

Về phẩm chất đạo đức

Có phẩm chất cơ bản của người giáo viên nhà trường XHCN Việt Nam: thấm nhuần thế giới quan Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, yêu học sinh, yêu nghề, có ý thức trách nhiệm cao, có đạo đức tốt, có tác phong mẫu mực của người giáo viên.

Về kiến thức

– Hiểu được những kiến thức khoa học cơ bản, kiến thức Kỹ thuật cơ sở và chuyên ngành và vận dụng được trong dạy học phần Kỹ thuật công nghiệp (môn Công nghệ) phổ thông.

– Hiểu được những kiến thức về khoa học giáo dục, đặc biệt là lý luận, phương pháp, phương tiện dạy học tiên tiến và vận dụng được vào quá trình dạy học bộ môn.

– Hiểu rõ vị trí, nhiệm vụ của người giáo viên dạy môn Công nghệ ở trường phổ thông trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục (nhất là các nhiệm vụ giáo dục kỹ thuật và hướng nghiệp, bảo vệ môi trường v.v…).

Về kỹ năng

– Thực hiện thành thạo các kỹ năng thực hành cơ bản thuộc chương trình đào tạo để giảng dạy thực hành kỹ thuật cho học sinh phổ thông.

– Có năng lực sư phạm để tổ chức hiệu quả quá trình dạy học môn công nghệ, phần kỹ thuật công nghiệp ở phổ thông.

– Có khả năng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu của giáo dục phổ thông.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương

1

Triết học Mác – Lênin

8

Giáo dục Quốc phòng

2

Kinh tế chính trị Mác – Lênin

9

Phương pháp nghiên cứu khoa học

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

10

Tin học

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

11

Tâm lý học

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

12

Giáo dục học

6

Ngoại ngữ

13

Quản lý hành chính Nhà nước và Quản lý ngành giáo dục và đào tạo

7

Giáo dục thể chất

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

14

Hình học họa hình

22

Kỹ thuật điện II

15

Vẽ kỹ thuật

23

Thiết bị điện dân dụng

16

Cơ kỹ thuật 1

24

Kỹ thuật tương tự

17

Cơ kỹ thuật 2

25

Kỹ thuật số

18

Cơ khí đại cương

26

Thiết bị điện tử dân dụng

19

Động cơ đốt trong

27

Tin học ứng dụng

20

Ứng dụng động cơ đốt trong

28

Lý luận dạy học Công nghệ

21

Kỹ thuật điện I

Nội dung các học phần bắt buộc (Phần kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Hình học họa hình

Học phần này bao gồm những kiến thức cơ sở để học môn Vẽ kỹ thuật: phép chiếu, phương pháp hai hình chiếu thẳng góc của điểm, đường thẳng, mặt phẳng; các phép biến đổi hình chiếu; đường và mặt; khai triển một mặt.

Đó là những kiến thức cơ bản về biểu diễn các vật thể trong không gian ba chiều trên mặt phẳng hai chiều và giải các bài toán không gian trên mặt phẳng biểu diễn.

Vẽ kỹ thuật

Học phần này bao gồm những kiến thức cơ bản để vừa học các môn chuyên ngành vừa giảng dạy phần Vẽ kỹ thuật ở phổ thông: Vẽ kỹ thuật đại cương (Tiêu chuẩn trình bày bản vẽ, vẽ hình học, biểu diễn vật thể, hình chiếu trục đo,…); vẽ kỹ thuật cơ khí (vẽ quy ước các mối ghép, vẽ quy ước bánh răng và lò xo, dung sai và nhám bề mặt, bản vẽ chi tiết, bản vẽ lắp, bản vẽ sơ đồ,…); vẽ xây dựng (hình chiếu phối cảnh, bản vẽ nhà); vẽ trên máy tính.

Cơ kỹ thuật 1

Giới thiệu một số kiến thức cơ bản của cơ học (các khái niệm cơ bản, động học điểm, chuyển động của vật rắn, tổng hợp chuyển động, động học cơ cấu) và ứng dụng những kiến thức đó vào việc tìm hiểu nguyên lý làm việc của các cơ cấu và kết cấu thường gặp trong kỹ thuật và trong thực tế.

Cơ kỹ thuật 2 

Giới thiệu về tác dụng của lực lên vật rắn thực:

– Phần thứ nhất: Tĩnh động lực hình học (các khái niệm cơ bản, các định luật cơ bản của động lực học, tính chất cơ bản của hệ lực tác dụng lên vật rắn tự do, động lực học cơ hệ, phương pháp tĩnh – động lực hình học).

– Phần thứ hai: Cơ học vật rắn (các khái niệm cơ bản, kéo – nén đúng tâm, cắt và dập, thanh tròn chịu xoắn thuần tuý, uốn thuần tuý của thanh thẳng, thanh chịu lực phức tạp, ổn định của thanh).

Cơ kỹ thuật cũng là nội dung cơ sở của cơ khí và cũng là cơ sở để sinh viên sau này giảng dạy môn Công nghệ ở phổ thông.

Cơ khí đại cương

Học phần giới thiệu một cách đại cương về các nội dung: vật liệu cơ khí và gia công nhiệt vật liệu: khái niệm, đặc điểm của một số kim loại và hợp kim thông dụng; một số phương pháp nhiệt luyện; các phương pháp gia công không tạo phoi: đúc, gia công áp lực, hàn và cắt kim loại; gia công kim loại bằng cắt gọt; thực hành phương pháp gia công kim loại thuộc kỹ thuật nguội.

Động cơ đốt trong

Học phần giới thiệu một cách đại cương về các nội dung: khái niệm chung về động cơ đốt trong; cấu tạo và nguyên lý làm việc của động cơ đốt trong; cấu tạo và nguyên lý làm việc của các cơ cấu, hệ thống trong động cơ đốt trong; sử dụng động cơ đốt trong và vấn đề giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường; thực hành tìm hiểu cấu tạo và phương pháp tháo, lắp động cơ đốt trong.

Ứng dụng động cơ đốt trong

Học phần giới thiệu một cách đại cương về các nội dung: vai trò của động cơ đốt trong trong sản xuất và đời sống, nguyên tắc sử dụng động cơ đốt trong; việc sử dụng động cơ đốt trong và hệ thống truyền lực từ động cơ đến máy công tác trên các thiết bị động lực thông dụng như: ôtô, xe máy, tàu thuyền, máy phát điện, máy nông nghiệp v.v…

Kỹ thuật điện 1

Học phần bao gồm: dòng điện xoay chiều và phương pháp tính toán mạch điện cơ bản: cấu trúc của mạch điện, các đại lượng và các thông số đặc trưng của mạch điện, mạch điện và các phương pháp giải mạch điện một pha và ba pha, các định luật điện từ dùng trong máy điện; máy điện: cấu tạo nguyên lý làm việc, và quá trình năng lượng xảy ra trong máy biến áp một pha và ba pha.

Kỹ thuật điện 2

Học phần bao gồm: cấu tạo và nguyên lý làm việc của các loại máy điện có phần quay như máy phát điện, động cơ điện 3 pha, động cơ điện một chiều v.v…; các phương pháp đo lường và điều khiển máy điện: các cơ cấu đo chỉ thị kim và cách đo các đại lượng điện, các thiết bị đóng cắt, bảo vệ và cách phối hợp các thiết bị này tạo ra các mạch điều khiển, bảo vệ sự làm việc của động cơ điện không đồng bộ v.v….

Thiết bị điện dân dụng

Học phần giới thiệu khái quát về: động cơ điện không đồng bộ 1 pha và 3 pha; các thiết bị điện dân dụng như thiết bị biến đổi điện năng thành nhiệt năng, thiết bị điện lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt,…; cấu tạo, nguyên lý làm việc, tính toán và chế tạo máy biến áp,…; thiết kế mạng điện sinh hoạt.

Kỹ năng tương tự       

Học phần giới thiệu về: các đại lượng cơ bản và các hệ thống điện tử điển hình, chất bán dẫn, transistor lưỡng cực, khuếch đại và khuếch đại dùng vi mạch thuật toán, tạo dao động điều hòa và phần tử nhiều lớp tiếp tục P-N; kỹ thuật xung: khái niệm, các mạch không đồng bộ hai trạng thái ổn định mạch không đồng bộ một trạng thái ổn định, mạch không đồng bộ hai trạng thái không ổn định, dao động Blockinh và tạo xung tam giác; thực hành tìm hiểu các linh kiện, mạch khuếch đại; phương pháp lắp ráp, điều chỉnh v.v…

Kỹ thuật số     

Học phần bao gồm: “Cơ sở của kỹ thuật số” giới thiệu về các hệ thống đếm và mã dùng trong kỹ thuật số, đại số lôgic, tối thiểu hóa làm lôgic và các họ vi mạch số; “Các mạch số” giới thiệu về thiết kế và phân tích mạch tổ hợp, một số mạch tổ hợp chuyên dụng; “Mạch dãy” giới thiệu về các phần tử nhớ cơ bản (flip-flop), các mạch logic dãy, một số mạch ứng dụng các vi mạch cỡ lớn, các mạch số học dùng IC cỡ lớn và chuyển đổi tín hiệu; thực hành tìm hiểu, lựa chọn linh kiện, lắp ráp, điều chỉnh một số mạch đơn giản.

Thiết bị điện tử dân dụng

Học phần giới thiệu khái quát về: cấu tạo và nguyên lý làm việc một số thiết bị điện tử dân dụng như Radio, Cassette, Máy đọc đĩa Compact, Ti vi v.v.

Tin học ứng dụng       

Học phần giới thiệu khái quát về các khái niệm cơ bản về tin học và các công cụ trong bộ chương trình Microsoft office phục vụ cho việc lập báo cáo, bảng biểu, soạn thảo văn bản, bài giảng điện tử. Trọng tâm của học phần là các chương trình phần mềm Microsoft Word, MS Excel và MS Power Point.

Lý luận dạy học Kỹ thuật công nghiệp

Học phần giới thiệu khái quát về mục tiêu, nội dung, chương trình phần Kỹ thuật công nghiệp (thuộc môn Công nghệ) ở trung học phổ thông; phương pháp và phương tiện dạy học Kỹ thuật công nghiệp; các hình thức tổ chức dạy học Kỹ thuật công nghiệp phổ thông v.v…