Ngành Xã hội học

Ngành đào tạo:          XÃ HỘI HỌC (Sociology)

Trình độ đào tạo:       Đại học

Thời gian đào tạo:

      4 năm

MỤC TIÊU ĐÀO TẠO

Đào tạo các cử nhân Xã hội học:

– Có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, có ý thức phục vụ Tổ quốc và nhân dân, có sức khoẻ và năng lực giao tiếp xã hội;

– Nắm vững phương pháp luận và kiến thức cơ bản về xã hội học, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp;

– Có khả năng vận dụng kiến thức xã hội học góp phần vào việc nghiên cứu, giải quyết các vấn đề xã hội trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh và quốc phòng.

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

Danh mục các học phần bắt buộc

Kiến thức giáo dục đại cương

1

Triết học Mác-Lênin

6

Ngoại ngữ

2

Kinh tế chính trị Mác-Lênin

7

Tin học đại cương

3

Chủ nghĩa xã hội khoa học

8

Giáo dục thể chất

4

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam

9

Giáo dục quốc phòng

5

Tư tưởng Hồ Chí Minh

 

 

Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp

a. Kiến thức cơ sở khối ngành

1

Lịch sử văn minh thế giới

4

Pháp luật đại cương

2

Đại cương văn hóa Việt Nam

5

Logic học

3

Tâm lý học đại cương

 

 

b. Kiến thức cơ sở ngành

1

Tâm lý học xã hội

3

Thống kê xã hội

2

Dân tộc học đại cương

 

 

c. Kiến thức ngành

1

Xã hội học đại cương

9

Xã hội học chính trị

2

Lịch sử xã hội học

10

Xã hội học văn hoá

3

Các lý thuyết xã hội học hiện đại

11

Xã hội học truyền thông đại chúng

4

Phương pháp nghiên cứu xã hội học I

12

Xã hội học gia đình

5

Phương pháp nghiên cứu xã hội học II

13

Xã hội học về giới

6

Xã hội học nông thôn

14

Các vấn đề xã hội đương đại

7

Xã hội học đô thị

15

Chính sách xã hội

8

Xã hội học kinh tế

 

 

Nội dung các học phần bắt buộc (Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp)

Lịch sử văn minh thế giới

Giới thiệu tổng quát về sự hình thành, phát triển các nền văn minh trên thế giới, các thành tựu chủ yếu, vai trò, vị trí của các nền văn minh này trong tiến trình lịch sử nhân loại với những nội dung cụ thể sau:

Văn minh Ai Cập, văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ấn Độ, văn minh Trung Hoa, văn minh Hồi giáo, văn minh công nghiệp tư bản chủ nghĩa thời cận đại, văn minh phương Tây thế kỷ XX.

Đại cương văn hoá Việt Nam

Bao gồm những kiến thức cơ bản về văn hoá, văn hoá học và văn hoá Việt Nam trong lịch sử hình thành và phát triển từ nền tảng văn hoá, văn hoá truyền thống đến hiện đại như văn hoá Việt Nam thời kỳ tiền sử, sơ sử, thời kỳ đầu công nguyên, thời Đại Việt và thời hiện đại. Nội dung trọng tâm là văn hoá truyền thống và văn hoá Việt Nam chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại.

Tâm lý học đại cương

Giới thiệu những quy luật chung nhất trong sự hình thành phát triển và vận hành tâm lý người, sự vận dụng vào việc giáo dục con người phát triển toàn diện. Học phần bao gồm các nội dung: cơ sở tự nhiên và xã hội của tâm lý người; hoạt động giao tiếp – bản thể của tâm lý người; sự hình thành nhân cách trí nhớ, tính cách, khí chất và xu hướng năng lực.

Pháp luật đại cương

Bao gồm những kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, quan hệ trách nhiệm pháp lý, các quy phạm, các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống pháp luật Việt Nam, cấu trúc của bộ máy Nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Lôgíc học

Bao gồm các nội dung: Những vấn đề của Lôgíc học truyền thống; một số nội dung của Logíc học hiện đại; lịch sử Lôgíc; những quy luật, những hình thức cơ bản của tư duy.

Tâm lý học xã hội

Giúp sinh viên nhận thức được hành vi và hoạt động của con người dưới tác động của các nhóm xã hội mà họ tham gia vào đó, cũng như những đặc trưng tâm lý của chính những nhóm xã hội đó. Bao gồm các nộâi dung sau: nguồn gốc sinh ra của các hiện tượng tâm lý trong xã hội; các hiện tượng tâm lý khác nhau trong các nhóm xã hội; đặc trưng của các hiện tượng tâm lý trong nhóm lớn, nhóm nhỏ; nhận biết các hành vi phi ngôn ngữ và các hình thức giao tiếp qua ngôn ngữ; các đặc điểm tâm lý của cá nhân và của nhóm thông qua mạng giao tiếp.

Dân tộc học đại cương

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về lịch sử, cấu trúc xã hội và những nét đặc trưng văn hoá lối sống của các tộc người, đặc biệt là các tộc người sống trên lãnh thổ Việt Nam; sự tác động qua lại của lịch sử, cơ cấu xã hội và văn hoá trong một dân tộc cũng như sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các tiểu văn hoá của các dân tộc trong một xã hội nhất định.

Thống kê xã hội

Cung cấp một số kiến thức cơ bản nhất về cơ sở lý thuyết xác suất và thống kê thực hành, bao gồm: các khái niệm cơ bản về xác suất; đại lượng ngẫu nhiên; lý thuyết mẫu; cách tính và ý nghĩa các đại lượng thống kê liên quan đến mẫu xác suất; phương pháp tính toán, đo lường các hệ số tương quan nhằm đo lường mối quan hệ giữa các hiện tượng xã hội; nội dung, ý nghiã của các hệ số đó; việc áp dụng chúng cho tính toán, phân tích thông tin và khẳng định các giả thuyết trong các nghiên cứu của khoa học xã hội.

Xã hội học đại cương

Cung cấp cho sinh viên một cách có hệ thống những kiến thức cơ bản về xã hội học, bao gồm: đối tượng, chức năng, quá trình hình thành và phát triển của xã hội học, các khái niệm, phạm trù và nguyên lý cơ bản xã hội học, các lĩnh vực nghiên cứu của xã hội học, một số lý thuyết và phương pháp của xã hội học.

Lịch sử xã hội học

Giới thiệu cho sinh viên các nội dung: qúa trình hình thành và phát triển của xã hội học thế giới và Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử của thế giới và khu vực, các nhà xã hội học tiêu biểu của các giai đoạn, một số khuynh hướng, trường phái của xã hội học hiện đại.

Các lý thuyết xã hội học hiện đại

Giới thiệu những quan điểm, nội dung chủ yếu của các lý thuyết xã hội học xuất hiện từ đầu thế kỷ XX (chủ yếu từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất) đến nay; quá trình hình thành; mức độ phổ biến, việc sử dụng và xu hướng biến đổi của chúng cũng như mối liên hệ của chúng với các lý thuyết xã hội học kinh điển.

Phương pháp nghiên cứu xã hội học I

Cung cấp những kiến thức cơ bản về hệ thống các phương pháp trong quá trình nhận thức xã hội học: mối quan hệ giữa nhận thức lý thuyết và nhận thức thực nghiệm; vai trò của nghiên cứu xã hội học trong nhận thức xã hội học; các bước tiến hành một cuộc nghiên cứu xã hội học;cách thức phát hiện, nắm bắt và lựa chọn vấn đề nghiên cứu; cách thiết kế một cuộc nghiên cứu xã hội học từ khâu xác định mục tiêu nghiên cứu, xây dựng khung lý thuyết, thao tác hoá khái niệm, xây dựng bộ công cụ cho thu thập thông tin. kỹ năng sử dụng và lựa chọn các phương pháp nghiên cứu định lượng, định tính cho phù hợp với từng trường hợp nghiên cứu cụ thể.

Phương pháp nghiên cứu xã hội học II

Cung cấp cho sinh viên hệ phương pháp nghiên cứu xã hội học. Cụ thể: đòi hỏi sinh viên nắm được, biết lựa chọn và sử dụng các phương pháp chọn mẫu cũng như các phương pháp, kỹ thuật cho việc thu thập thông tin trong các trường hợp nghiên cứu riêng biệt; biết cách thức tổ chức một cuộc nghiên cứu thực tế cũng như phương pháp xử lý thông tin, phương pháp mô tả, phân tích các dữ liệu thực nghiệm trong một báo cáo khoa học; biết cách tính toán, đánh giá các sai số trong nghiên cứu xã hội học.

Xã hội học nông thôn

Giới thiệu những nghiên cứu khoa học về dân cư nông thôn trong những mối liên hệ nhóm của nó, các nghiên cứu về tổ chức xã hội và các quá trình xã hội đặc trưng cho những khu vực địa lý có dân số tương đối nhỏ và có mật độ thấp. Bằng cách tập trung vào nghiên cứu các biến đổi xã hội và các vấn đề gắn liền với nó, học phần còn bao hàm một số khía cạnh của các khoa học xã hội khác như tâm lý học xã hội, khoa học chính trị, kinh tế học và nhân học.

Xã hội học đô thị

Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về xã hội học đô thị và áp dụng của nó trong thực tiễn quản lý xã hội đô thị Việt Nam. Nội dung chủ yếu gồm: sự cần thiết của môn xã hội học đô thị trong thực tiễn quản lý xã hội; các cách tiếp cận cơ bản nghiên cứu xã hội học đô thị; lịch sử phát triển đô thị trên thế giới và ở Việt Nam; đặc trưng kinh tế của đô thị; đặc trưng nhân khẩu-xã hội của đô thị; đặc trưng sinh thái của đô thị; đặc trưng đô thị hoá ở các nước đang phát triển; đặc trưng đô thị hoá ở Việt Nam; vận dụng tri thức xã hội học đô thị vào thực tiễn quản lý đô thị ở Việt Nam; phương pháp nghiên cứu đô thị.

Xã hội học kinh tế

Giới thiệu cho sinh viên một số kiến thưc cơ bản về đối tượng, quá trình hình thành và phát triển của xã hội học kinh tế, một số lĩnh vực của xã hội học kinh tế (Kinh tế-Lao động), hàng hoá (thị trường, toàn cầu hoá kinh tế…) và một số nét đặc thù của xã hội học kinh tế thị trường Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Xã hội học chính trị

Cung cấp cho sinh viên kiến thức cơ bản về quan hệ xã hội học chính trị và chính trị học, về đối tượng, quá trình hình thành và phát triểnxã hội học chính trị, một số khái niệm và nội dung cơ bản của xã hội học chính trị, một số nét đặc thù của xã hội học chính trị Việt Nam.

Xã hội học văn hoá

Giúp sinh viên hiểu được mối quan hệ giữa văn hoá và xã hội học văn hoá, giữa xã hội học văn hoá và xã hội học đại cương. Giới thiệu cho sinh viên đối tượng, lịch sử hình thành, phát triển và nội dung cơ bản của xã hội học văn hoá một số nét đặc thù của xã hội học văn hóa phương Đông và Việt Nam, xã hội học văn hoá trong quá trình toàn cầu hoá.

Xã hội học truyền thông đại chúng

Cung cấp cho sinh viên các kiến thức cơ bản về xã hội học truyền thông đại chúng. Chủ yếu giới thiệu các vấn đề: truyền thông đại chúng trong hệ thống tri thức xã hội học; truyền thông đại chúng như một quá trình xã hội; chức năng xã hội của truyền thông đại chúng; các hướng nghiên cứu truyền thông đại chúng; mối quan hệ giữa truyền thông đại chúng và dư luận xã hội.

Xã hội học gia đình

Trang bị những kiến thức cơ bản, các lý thuyết xã hội học trong nghiên cứu hôn nhân gia đình, bao gồm: cách tiếp cận; hệ thống khái niệm và lý luận trong nghiên cứu của xã hội học gia đình; cơ cấu gia đình; mối quan hệ bên trong gia đình; chức năng của gia đình – mối quan hệ giữa gia đình và xã hội; hôn nhân; xung đột và ly hôn; gia đình từ góc độ giới; biến đổi gia đình trên thế giới; tương lai của gia đình; phương pháp và kỹ thuật trong nghiên cứu gia đình.

Xã hội học về giới

Cung cấp những kiến thức cơ bản về giới và mối quan hệ giới trong xã hội: Khái niệm Giới; sự khác biệt Giới tính (sinh học) và Giới (văn hoá, xã hội); sự hình thành bản sắc của Giới; quá trình học hỏi và thực hiện các vai trò cơ bản của Giới; quan hệ Giới trong khi thực hiện các chức năng gia đình; vai trò của Giới trong phát triển; đặc thù Giới ở Việt Nam và những vấn đề Giới của Việt Nam hiện nay.

Các vấn đề xã hội đương đại

Cung cấp cho sinh viên khái niệm cơ bản về “các vấn đề xã hội”, các lý thuyết giải thích về nguyên nhân và điều kiện nảy sinh các vấn đề xã hội, phương pháp nghiên cứu các vấn đề xã hội. Học phần cũng trình bày những vấn đề xã hội chính trong xã hội Việt Nam hiện nay, bao gồm: phạm vi, mức độ, tác động xã hội, những hoạt động và chương trình can thiệp.

Chính sách xã hội

Cung cấp cho sinh viên khái niệm cơ bản về “chính sách xã hội” và các khái niệm then chốt có liên quan, lịch sử môn học, lịch sử các học thuyết chính sách xã hội và các lý thuyết nghiên cứu. Học phần cũng trình bày về các mô hình chính sách xã hội trên thế giới, về lịch sử hình thành, các bộ phận hợp thành và cơ chế vận hành của hệ thống chính sách xã hội Việt Nam.