Năm 2025, nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng của các cơ sở đại học tiếp tục được tổ chức nhưng phạm vi sử dụng kết quả để xét tuyển tăng mạnh.
Những ngày qua, nhiều cơ sở đào tạo đại học (ĐH) trên cả nước đã công bố kế hoạch dự kiến tổ chức các kỳ thi tuyển sinh riêng để đánh giá năng lực thí sinh, lấy kết quả xét tuyển đầu vào năm 2025.
Mỗi kỳ thi tuyển sinh riêng đều được cải tiến để phù hợp chương trình phổ thông mới 2018 và theo hướng sử dụng chung kết quả ở nhiều trường.
Hàng trăm trường dùng chung kết quả
Tại TP.HCM, dự kiến năm 2025 sẽ có ba kỳ thi tuyển sinh riêng với số trường ĐH-CĐ đăng ký sử dụng chung kết quả ngày càng tăng.
Cụ thể là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Năm 2025 sẽ là năm thứ 8 kỳ thi này được tổ chức và ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn tổ chức hai đợt thi, dự kiến vào ngày 30-3 và ngày 1-6, tại 25 tỉnh/thành phố.
Kỳ thi lần này tiếp tục được dự kiến sẽ có hơn 100 trường ĐH-CĐ sử dụng kết quả để xét tuyển, chủ yếu là bậc ĐH.
Tương tự, năm 2025 sẽ là năm thứ ba kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính (V-SAT) được một số trường ĐH phối hợp với Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục tổ chức.
Kỳ thi được tổ chức với 8 môn thi độc lập, gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh và Ngữ văn. Thí sinh chọn môn thi phù hợp tương ứng với tổ hợp xét tuyển vào ngành cụ thể. Thí sinh làm bài trên máy tính, thời gian từ 60-90 phút, tùy bài thi.
Tại TP.HCM, trong hai năm qua, hai trường đầu tiên đăng cai tổ chức kỳ thi V-SAT này là Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Trường ĐH Sài Gòn.
Từ năm 2025, kỳ thi này dự kiến có 18 cơ sở đào tạo ký kết hợp tác tổ chức thi và sử dụng chung kết quả. Trong số đó, tại TP.HCM có 8 trường, gồm: Trường ĐH Sài Gòn, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Tài chính – Marketing, Trường ĐH Mở TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, Trường ĐH Văn Lang, Trường ĐH Luật TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và 10 cơ sở đào tạo ở các địa phương khác.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng sẽ tiếp tục tổ chức lần thứ 5 để xét tuyển vào gần 30 ngành học của trường. Kỳ thi được tổ chức với 6 bài thi, thí sinh làm bài trên máy tính.
Kết quả kỳ thi này cũng được sử dụng xét tuyển đầu vào ở các trường đào tạo sư phạm trên cả nước. Riêng tại TP.HCM, năm 2025, Trường ĐH Công Thương TP.HCM và Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng sẽ dùng chung kết quả này, dự kiến Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng sẽ sử dụng.
Tại khu vực phía Bắc, ba kỳ thi tuyển sinh riêng của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng sẽ tiếp tục được tổ chức năm 2025 và được hàng chục trường ĐH sử dụng chung.
Cải tiến cách ra đề thi theo chương trình phổ thông mới
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh THPT tốt nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điểm mới của chương trình này ở bậc THPT là bên cạnh các môn học bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Lịch sử), học sinh được tự chọn 4 trong 9 môn học khác để theo học (gồm Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật).
Để tuyển sinh, các kỳ thi tuyển sinh riêng phải được điều chỉnh về nội dung và hình thức để phù hợp với thực tế.
Cụ thể, năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, đề vẫn gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn, thí sinh làm bài trên giấy với 150 phút. Đề thi gồm ba phần, trong đó, ĐH Quốc gia TP.HCM vẫn giữ cấu trúc phần Sử dụng ngôn ngữ và Toán học nhưng tăng số lượng câu hỏi để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi.
Phần thứ ba là Logic – Phân tích số liệu và Giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần Tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.
Lý giải vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết phương án chọn tổ hợp môn học của học sinh THPT rất đa dạng
Vì vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM phải điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với cách tiếp cận mới của chương trình giáo dục phổ thông.
Cụ thể, ở phần 3, đề thi sẽ nhóm câu suy luận khoa học, đề ra theo hướng câu hỏi sẽ mang tính tổng quát, cung cấp đầy đủ dữ kiện, không chuyên sâu vào bất kỳ môn học nào nên mọi thí sinh đều được tiếp cận giống nhau.
“Việc điều chỉnh nhằm bảo đảm tuân thủ hai nguyên tắc. Một là đánh giá chính xác năng lực học ĐH của thí sinh. Hai là bảo đảm công bằng và tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học cho tất cả thí sinh nhất là khi sự chọn lựa các môn học của các em là rất đa dạng” – TS Chính nhấn mạnh.
Còn với kỳ thi tuyển sinh riêng là V-SAT, ông Hà Xuân Thành, Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục cho biết kỳ thi năm 2025 vẫn gồm 7 môn thi như mọi năm (gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, tiếng Anh) nhưng bổ sung thêm môn Ngữ văn.
Ông Thành cũng cho biết nội dung thi và cấu trúc định dạng đề thi sẽ được điều chỉnh theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đơn cử, ngoài 3 dạng câu hỏi như năm trước thì đề thi năm 2025 sẽ có thêm dạng câu hỏi nhóm. Nhiều câu hỏi thi đã được biên soạn theo hướng vận dụng phương pháp đánh giá của chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA).
Theo ông Thành, với định dạng đề thi này sẽ hạn chế việc thí sinh “đánh lụi”, bài thi cũng đánh giá đúng năng lực thí sinh THPT hơn và không phải ôn luyện mới làm bài được.
Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội từ năm 2025 cũng có nhiều điều chỉnh mới để phù hợp với chương trình hiện hành. Đề thi có ba phần, hai phần đầu là bắt buộc với mỗi phần 50 câu. Đáng chú ý nhất và cũng là thay đổi lớn nhất nằm ở phần ba cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh với thời gian làm bài 60 phút.
Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Mỗi chủ đề có 17 câu hỏi, còn phần tiếng Anh có 50 câu.
Nguồn: internet