Chỉ tiêu vào các ngành Sư phạm của nhiều trường giảm so với dự kiến trong vài năm gần đây dù cả nước thiếu hàng chục ngàn giáo viên.
Theo nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm và bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022. Điều đó đã bước đầu tạo ra những tín hiệu tích cực cho công tác tuyển sinh nhóm ngành đào tạo giáo viên. Cũng nhờ vậy mà nhiều trường sư phạm đã thu hút được nhiều sinh viên giỏi.
Song, trên thực tế, việc triển khai cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, ở các trường Đại học địa phương – những trường vốn có truyền thống đào tạo giáo viên lại gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh dẫn đến chỉ tiêu đào tạo ngày càng giảm.
Ở một số trường đại học địa phương, chỉ tiêu nhóm ngành đào tạo giáo viên giảm đáng kể qua từng năm tuyển sinh. Ví dụ như Trường Đại học Hải Phòng, chỉ tiêu các ngành sư phạm bị giảm trong 3 năm qua.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trong mùa tuyển sinh năm 2023 cũng thông báo dừng tuyển sinh ngành sư phạm với 14 trường cao đẳng và 2 trường đại học địa phương. Nguyên nhân do địa phương không có nhu cầu đào tạo giáo viên hoặc địa bàn đã sáp nhập vói cơ sở đào tạo khác.
Theo đề án tuyển sinh năm 2023, Trường Đại Học Quảng Bình có tổng chỉ tiêu là 275 sinh viên đối với các ngành đào tạo sư phạm (năm 2021), đến năm 2022 trường giảm tiêu xuống còn 147 chỉ tiêu. Đến năm 2023, số chỉ tiêu ấy càng giảm đáng kể hơn, so với năm 2021 giảm 50%.
Tương tự, tại Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành đào tạo sư phạm cũng có xu hướng giảm dần qua từng năm. Cụ thể: trong năm 2021 trường có 1221 chỉ tiêu với ngành đào tạo sư phạm, đến năm 2022 số chỉ tiêu ngành này giảm xuống còn 1101. Năm 2023, tổng số chỉ tiêu giảm mạnh còn 135 chỉ tiêu (theo đề án tuyển sinh năm 2023).
Ngoài những trường kể trên, nhiều trường đào tạo chuyên ngành Sư phạm cũng bị cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành này. Trong đó, có Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 (Vĩnh Phúc) theo đề án tuyển sinh 2023, trước đó hồi đầu tháng 4 trường công bố tuyển sinh hơn 2.670 chỉ tiêu với các ngành đào tạo giáo viên. Thế nhưng đến cuối tháng 5, trường nhận được công vân của Bộ GD&ĐT giao chỉ tiêu với ngành này là gần 920 – giảm hơn rất nhiều so với dự kiến.
Cũng vậy, Trường Đại học Sư phạm dự định tuyển 3.000 sinh viên khối ngành đào tạo giáo viên song được giao khoảng 2.400 chỉ tiêu.
Trường Đại học Sư phạm Tp HCM được Bộ GD&ĐT giao tuyển 1.700 sinh viên, thấp hơn khoảng 300 so với công bố trước đó.
Trường Đại học An Giang (Đại học Quốc gia Tp HCM) công bố tuyển gần 600 sinh viên nhưng sau khi Bộ duyệt, con số này giảm xuống còn 510.
Lãnh đạo một trường sư phạm phía Bắc cho rằng: điều này đồng nghĩa với việc địa phương bỏ tiền cho đi học nhưng sinh viên có thể không quay về mà dồn đến các thành phố lớn làm việc. Như vậy, một số địa phương không cần đặt hàng vẫn được hưởng lợi. Ngược lại, có một số tỉnh, đặc biệt khu vực miền núi, vùng khó khăn bỏ kinh phí đặt hàng lại không có nguồn tuyển. Ngoài ra, kể cả khi quay về các sinh viên này vẫn phải thi tuyển viên chức theo các quy định của Bộ Nội vụ và chưa chắc trúng tuyển.