Tổng Bí thư gợi mở ba vấn đề với ngành Giáo dục

Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở ba vấn đề lớn với ngành Giáo dục, trong đó có ưu tiên phát triển con người, phổ cập kiến thức chuyển đổi số, phát triển nhà giáo cả về lượng và chất…

Sáng 18/11, tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc. Vì vậy, Đảng và Nhà nước luôn dành nhiều ưu tiên cho lĩnh vực này.

Trước bối cảnh thế giới trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực được xác định là cơ hội phát triển cốt lõi, Tổng Bí thư gợi mở ba vấn đề với ngành.

Thứ nhất, mục tiêu cao nhất hiện nay là hoàn thành sự nghiệp đổi mới, tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông cho rằng đây là nhiệm vụ đầy khó khăn, thử thách, song từ phong trào bình dân học vụ, củng cố niềm tin vững chắc là chúng ta sẽ thành công khi có mục tiêu trong sáng, chính sách thông minh và cách làm sáng tạo.

Ngành giáo dục phải đặt ưu tiên phát triển con người với nhân cách, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, tăng thực hành, chú trọng thực học, tránh bệnh thành tích. Với giáo dục đại học, cần chuyển mạnh từ lấy trang bị kiến thức làm mục tiêu chủ yếu sang dạy kỹ năng, dạy cách học, cách tư duy là chính.

“Phấn đấu tăng hạng giáo dục Việt Nam trên bản đồ khu vực và quốc tế, cụ thể đến năm 2030, Việt Nam trong ba nước đứng đầu ASEAN về số lượng công bố quốc tế và chỉ số ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu khoa học; có trường đại học vào top 100 trường hàng đầu thế giới”, Tổng Bí thư chỉ đạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 18/11. Ảnh: MOET

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, sáng 18/11. Ảnh: MOET

Thứ hai, ông chỉ ra một số việc mà ngành giáo dục cần làm ngay. Đó là có giải pháp xóa hoàn toàn nạn mù chữ; phát động phong trào “bình dân học vụ số” để phổ cập kiến thức chuyển đổi số toàn dân; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu trường, lớp ở một số thành phố lớn; bảo đảm chi ngân sách tối thiểu 20% cho giáo dục; có cơ chế thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước để phát triển giáo dục.

Ba là phát triển lực lượng nhà giáo cả về chất và lượng. Tổng Bí thư yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thu hút người tài, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, xây dựng môi trường học tập lành mạnh.

“Tôi tin tưởng rằng, với một đất nước, một dân tộc có truyền thống hiếu học, quý trọng hiền tài; đội ngũ thầy giáo, cô giáo tâm huyết, yêu nghề, sẵn sàng hy sinh, gắn bó với nghề cùng sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, toàn ngành giáo dục sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo”, ông nói.

Trước đó, Tổng Bí thư ghi nhận nhiều thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt trong thời gian qua, như hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi; chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) đều có chuyển biến tốt; công bố khoa học quốc tế tăng mạnh…

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng cần “thẳng thắn nhìn nhận” những mặt chưa làm được. Theo ông, đổi mới giáo dục đã hàng chục năm, nhưng cơ bản chưa chuyển biến thực sự về chất, chưa đáp ứng kỳ vọng. Ngành có những hạn chế kéo dài mà chưa giải quyết dứt điểm, như chất lượng giáo dục các cấp nhìn chung còn nặng lý thuyết, nhẹ thực hành; hàng chục nghìn cử nhân, thạc sĩ tốt nghiệp không tìm được việc làm, gây lãng phí lớn; tình trạng thiếu trường, lớp ở một số thành phố lớn; đội ngũ nhà giáo còn thiếu, một số bộ phận yếu về chuyên môn…

Nguồn: internet