Triển khai chương trình GDPT mới: Cần các đề án căn cơ!

Sáng 18/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại địa phương.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Bùi Thanh Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định – Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế và các thành viên BCĐ tham dự buổi làm việc.

Những sự cố bất thường đều cần có phương án xử lý

Trong báo cái về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020, ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Tỉnh đã triển khai công việc chuẩn bị theo đúng yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Thành lập BCĐ thi của tỉnh; ban hành Chỉ thị về việc tổ chức kỳ thi; tổ chức hội nghị phổ biến công tác thi đến tất cả các nhà trường, thành viên tham gia kỳ thi.

Kỳ thi năm nay, Thừa Thiên Huế có 12 576 thì sinh đăng ký dự thi, trong đó có 799 thì sinh tự do được bố trí tại 35 điểm thi. Tỉnh cũng tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ cho kỳ thi, hồ sơ thi, phương án đảm bảo an toàn tại 35 điểm thi chính thức và 9 điểm thi dự phòng. Các điều kiện trang thiết bị, cơ sở vật chất tại địa điểm đặt Ban chấm thi, Ban làm phách; bố trí đầy đủ các camera ở khu vực chấm thi theo quy định.

“Lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế cơ sở vật chất tại các điểm thi, nơi in sao đề thi, bảo quản bài thi, chấm thi… đảm bảo các điều kiện an toàn tuyệt đối. Từ nay đến khi diễn ra kỳ thi, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tập trung chỉ đạo để kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy định. Chuẩn bị đầy đủ các phương án dự phòng (mưa lũ, cháy nổ, dịch bệnh…). Với tinh thần cao nhất không để xảy ra sự cố bất thường mà không có phương án xử lý”, ông Tân nói.

Ông Lê Văn Vũ – Phó GĐ Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khẳng định khẳng định “Công an tỉnh quyết tâm bảo vệ an toàn kỳ thi”, công an tỉnh đã tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ chiến sỹ tham gia bảo vệ kỳ thi và yêu cầu, “khó, vướng ở đâu phải báo cáo ngay để kịp thời xử lý”. Trên cơ sở kế hoạch tham gia tổ chức kỳ thi chung của Công an tỉnh, tất cả các đơn vị đã ban hành kế hoạch cụ thể, giao việc đến từng người, “nếu đơn vị, địa phương nào để xảy ra sai sót sẽ phải phải chịu trách nhiệm”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhấn mạnh đến 2 mục tiêu của kỳ thi là an toàn và chất lương, đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế rà soát lại thành phần BCĐ, bổ sung thêm các thành viên có vai trò trong công tác thông tin tuyên truyền về kỳ thi. “BCĐ phải quy trách nhiệm cho từng thành viên, tránh tình trạng chung chung, không trúng, chồng chéo”, Bộ trưởng lưu ý, đồng thời yêu cầu tỉnh Thừa Thiên Huế bám sát chỉ đạo về tiến độ của Bộ GDĐT, trong quá trình chuẩn bị nếu có vướng mắc cần trao đổi ngay với Bộ để cùng tháo gỡ.

Kỳ thi năm 2010, sau khi có kết quả kỳ thi và phân tích phổ điểm, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng ở vị trí 27/63 tỉnh/ thành phố. Theo Ông Bùi Thanh Hà Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhận xét, vị trí này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng cũng nhu sự đầu tư, quan tâm về giáo giục của tỉnh, vì thế năm nay cần phải cải thiện hơn.

Đồng tình với ý kiến, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các cơ sở giáo dục cần tập trung cho việc ôn thi cho học sinh. “Bây giờ vẫn còn thời gian, nếu ôn tập thiết thực sẽ có hiệu quả. Với nhóm học sinh yếu, học sinh vùng khó khăn có thể bố trí giáo viên có chuyên môn tốt từ các trường khác đến ôn tập. Cần chú ý đến những học sinh trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19 chưa được tiếp cận đầy đủ với học trực tuyến, học trên truyền hình”.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến sự “đều tay” ở tất cả các khâu, một việc ở một khâu sai sót có thể làm hỏng toàn bộ nỗ lực của tất cả các khâu còn lại. “Thi cử không nói trước, nên không thể chủ quan”.

Nên có 3 đề án: Phát triển đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở cật chất; phát triển nguồn nhân lực

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GDĐT Thừa Thiên Huế cho biết: Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, tỉnh đã tập trung nhiều giải pháp và điều kiện để chuẩn bị đổi mới chương trình lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020-2021 như cơ sở vật chất đảm bảo học sinh lớp 1  học 2 buổi/ ngày; 100% trường tiểu học có đầy đủ thiết bị dạy học theo quy định. Tỉnh cũng bố trí giáo viên đảm bảo mức quy định là 1,5 giáo viên/ lớp đối với khối lớp 1.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã hoàn thành khung chương trình giáo dục địa phương và tiến hành xuất bản để kịp đưa vào sử dụng trong năm học 2020-2021. “Chương trình giáo dục địa phương đảm bảo phù hợp thực hiện 3 nội dung: Lý thuyết,  thực địa và viết thu hoạch. Những đặc trưng về con người, lịch sử, văn hóa, địa danh, sản phẩm… nổi bật của vùng đất Thừa Thiên Huế đã được đưa vào chương trình giáo dục địa phương”, ông Tân cho hay.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế quan tâm rà soát, xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên cho 5 năm tới. Đề án được xây dựng dựa trên nhu cầu thực tế và thực trạng đội ngũ để có kế hoạch phát triển cho từng năm, tránh “bị động” như hiện nay. Trong đó, có thể giao đầu mối xây dựng đề án cho Trường Đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế).

Cùng với đề án về giáo viên, tỉnh Thừa Thiên Huế cần rà soát và xây dựng đề án về đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho giáo dục. Trong đó, tính toán đến việc dồn dịch, sắp xếp sao cho hợp lý và đầu tư theo lộ trình cuốn chiếu, từ đó xác định được nguồn vốn đầu tư. “Có 2 đề án này, quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ rất bài bản. Điều kiện về đội ngũ giáo viên, trường lớp, thiết bị sẽ được chủ động và có lộ trình để thực hiện”, Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đề cập đến một đề án nữa mà tỉnh Thừa Thiên Huế nên tập trung xây dựng, đó là đề án phát triển nguồn nhân lực trong 5 năm tới, gắn với định hướng phát triển kinh tế – xã hội 5 năm của địa phương. Bộ trưởng cho rằng, cần gắn trách nhiệm của Đại học Huế với đề án này và đề án phải được thực hiện trên nguyên tắc hiệu quả. “Bộ GDĐT sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, tư vấn cho Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng 3 đề án nói trên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát biểu cảm ơn những trao đổi, tư vấn của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác Bộ GDĐT, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Bùi Thanh Hà cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ thực hiện nghiêm túc ý kiến của Bộ GDĐT để tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, trong đó sẽ bổ sung thành phần BCĐ như ý kiến trao đổi của Bộ trưởng. Ngoài ra, tỉnh sẽ tính toán để rà soát, xây dựng các đề án như tư vấn của Bộ trưởng.

SĐT: 0852.128.128
Email: info@thongtintuyensinh.edu.vn

Theo: Trung tâm Truyền thông Giáo dục